Sẵn sàng “chia lửa” điều trị bệnh nhân Covid-19

Từ cuối tháng 5 đến nay, TPHCM là một trong 4 tỉnh thành có số bệnh nhân Covid-19 trong cộng đồng nhiều nhất cả nước. Để chủ động ứng phó số ca mắc ngày một tăng, thành phố đã xây dựng nhiều kế hoạch ứng phó, trong đó có việc chuyển đổi công năng một số bệnh viện thành nơi chuyên điều trị Covid-19.
 Sắp xếp lại giường bệnh tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19
Sắp xếp lại giường bệnh tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19

Mô hình “Bệnh viện tách đôi”

TS-BS Nguyễn Hữu Lân, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phạm Ngọc Thạch, cho biết, là BV đặc thù điều trị bệnh truyền nhiễm, từ năm 1975, khu điều trị bệnh phổi và bệnh lao được tách rời: bệnh phổi (khu A) và bệnh lao (khu B). Đây là điều kiện cần và đủ để BV triển khai theo mô hình “BV tách đôi” trong điều trị bệnh nhân Covid-19 theo đề án của Sở Y tế TPHCM về triển khai giải pháp khi dịch bệnh tiếp diễn phức tạp. “Hiện nay, BV đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh nhân Covid-19”, TS-BS Nguyễn Hữu Lân khẳng định. 

Cụ thể, khu A (1/2 BV tính theo chiều dọc) gồm 3 tòa nhà cao tầng đã được tách biệt với nửa còn lại, với cổng vào riêng sẽ tiếp nhận điều trị cho 550 bệnh nhân mắc Covid-19. Tại đây, ngoài việc được bố trí 5 buồng áp lực âm và 66 giường hồi sức tích cực, còn có khu vực cận lâm sàng riêng biệt, trong đó có xét nghiệm RT-PCR chẩn đoán Covid-19. Các buồng bệnh thông thoáng, không dùng điều hòa trung tâm. Việc tiếp nhận bệnh nhân được chia thành nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1, nhà A1 (khoa dịch vụ bệnh phổi) và khu cách ly Covid-19 được thành lập từ đầu mùa dịch, sẽ tiếp nhận 134 bệnh nhân; giai đoạn 2 là tòa nhà A2 (khoa bệnh phổi không lao) có sức chứa 393 giường và cuối cùng là nhà A3 (200 giường) sẽ được trưng dụng khi 2 khu trên đã tiếp nhận đủ bệnh nhân. Khu B vẫn là các phòng khám và các khoa lâm sàng, cận lâm sàng phục vụ cho công tác điều trị và chăm sóc người bệnh mắc bệnh lao và bệnh phổi không do lao.

Gặp điều dưỡng Đỗ Thị Thùy Linh và điều dưỡng Nguyễn Thị Hiểu (Khoa Ung bướu A2) tại tòa nhà A1 khi các chị đang tất bật khử khuẩn, lắp ráp thiết bị mới phục vụ cho việc điều trị Covid-19, cả hai đều thể hiện quyết tâm cùng hàng trăm đồng nghiệp của BV sẵn sàng cho nhiệm vụ mới. “Tôi và đồng nghiệp đã sẵn sàng, vì đây là nhiệm vụ, cao cả của mình. Chúng tôi không có thời gian cho những cảm xúc nhất thời, quyết tâm cùng thành phố và cả nước chiến thắng “giặc” Covid-19. Bảo đảm tính mạng, sức khỏe cho nhân dân, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường”, điều dưỡng Đỗ Thị Thùy Linh bày tỏ. 

Nhiều giải pháp kiểm soát dịch 

Sau khi được Sở Y tế giao nhiệm vụ chuyển đổi công năng thành BV chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19, BV huyện Củ Chi đã nhanh chóng thực hiện. BS-CKII Trần Chánh Xuân, Giám đốc BV, cho biết mọi công tác chuẩn bị từ con người đến trang thiết bị đã được BV chuẩn bị đầy đủ với quy mô tối đa 500 giường, trong đó có 20 giường hồi sức cấp cứu. BV cũng khẩn trương chuyển người bệnh nội trú về tiếp tục điều trị tại BV Đa khoa khu vực Củ Chi; một số bệnh nhân nhẹ, đủ điều kiện sẽ cho xuất viện.

Còn BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng TP, cho biết: “Thực hiện mô hình “BV chia đôi”, BV Nhi đồng TP đã chuyển khối nhà độc lập (khoa Nhiễm) thành khu cách ly - điều trị bệnh Covid-19, không có hệ thống máy lạnh trung tâm như khu chung, được trang bị 6 phòng áp lực âm. Với quy mô 100 giường, các phòng đều độc lập riêng, cửa sổ được mở thông thoáng. Đội ngũ 22 y bác sĩ điều trị Covid-19 được chia thành 4 ê kíp,với 2 ê kíp trực/15 ngày. Hiện BV đang điều trị cho hơn 10 bệnh nhi mắc Covid-19 và một số trường hợp là ba mẹ các bé”. 

Theo PGS-TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong thời gian ngắn vừa qua, số ca mắc Covid-19 chuyển đến các BV điều trị nhiều (với 566 ca, tính đến hết ngày 10-6). Hiện có 9 bệnh nhân rất nặng đang điều trị ở BV Bệnh nhiệt đới TP. Vì vậy, sở đã xây dựng kế hoạch tổng thể về thu dung điều trị khi dịch Covid-19 bùng phát theo các kịch bản dưới 100 ca, từ 100 ca đến 1.000 ca và từ 1.000 ca đến 5.000 ca. Ngoài việc kích hoạt một số BV chuyển đổi công năng sang thu dung, điều trị Covid-19, TPHCM cũng đang thực hiện 7 biện pháp để nhanh chóng kiểm soát dịch trên địa bàn. Trong đó, tại khu vực phát hiện ca mắc, các đơn vị phải nhanh chóng khoanh vùng xử lý, xét nghiệm tầm soát quanh địa điểm có ca bệnh và khu vực lân cận, đồng thời xét nghiệm mở rộng trong cộng đồng. Song song với xét nghiệm mở rộng, thành phố cũng xét nghiệm theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm cao… 

Tối 12-6, Sở Y tế TPHCM cho biết, Bệnh viện Điều trị Covid-19 Củ Chi và Đơn vị điều trị Covid-19 của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã hoạt động. Đây là 2 bệnh viện được Sở Y tế giao nhiệm vụ chuyên trách tiếp nhận các trường hợp mắc Covid-19 nhẹ và nặng theo đúng phương châm 4 tại chỗ của Bộ Y tế giao, với sự huy động nguồn lực chuyên khoa Nhiễm và chuyên khoa Hồi sức, cấp cứu từ các bệnh viện tuyến cuối của TP.

Tin cùng chuyên mục