Trên cơ sở rà soát, Bộ GD-ĐT đã xác định một số môn học chịu tác động trực tiếp từ việc thay đổi địa giới hành chính gồm: Lịch sử và Địa lý lớp 4, lớp 5, lớp 8, lớp 9; Địa lý lớp 12; Lịch sử lớp 10, Giáo dục kinh tế và pháp luật lớp 10. Ví dụ, SGK Lịch sử, Địa lý lớp 8 (Kết nối tri thức với cuộc sống), trang 99, phần mở rộng đưa thông tin về động Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình cũ) không còn phù hợp thực tế hiện nay vì sau sáp nhập không còn tên tỉnh Quảng Bình…
Theo Bộ GD-ĐT, giáo viên, nhà trường được giao quyền chủ động để sắp xếp chủ đề học tập, cập nhật, bổ sung nội dung cho phù hợp với đối tượng học sinh, điều kiện tổ chức dạy học và điều kiện thực tiễn. Vì vậy, năm học 2025-2026, giáo viên và nhà trường tiếp tục sử dụng chương trình, SGK hiện hành, đồng thời có trách nhiệm chủ động lựa chọn, điều chỉnh ngữ liệu, bài học, chủ đề giảng dạy phù hợp với thực tiễn địa phương và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Hiện Bộ GD-ĐT đang khẩn trương hoàn tất việc rà soát, đánh giá việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để cập nhật, điều chỉnh một số môn học bị ảnh hưởng do điều chỉnh địa giới hành chính.
Hiện nay, các nhà xuất bản đã chỉ đạo đơn vị thành viên tổ chức bản thảo và các ban biên tập rà soát, thống kê nội dung liên quan đến thay đổi địa giới hành chính trong SGK, báo cáo Bộ GD-ĐT. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành nội dung chỉnh sửa, cập nhật trong chương trình một số môn học, nhà xuất bản sẽ tiến hành sửa SGK, trình Bộ GD-ĐT thẩm định thông qua theo đúng quy trình. Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) đã huy động các tổng chủ biên, chủ biên, tác giả bộ SGK Cánh Diều cùng đội ngũ biên tập viên và họa sĩ để rà soát các tên SGK cần sửa, lập danh mục những điểm cần điều chỉnh, bảo đảm sự chính xác về kiến thức, số liệu, địa danh hay những thay đổi hành chính.