Sản xuất, phổ biến vaccine sản xuất trong nước trên tinh thần khẩn trương, nhưng thận trọng

Đề cập đến cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhận định, cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay.

Chiều 22-7, Quốc hội làm việc tại tổ, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Đề cập đến cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhận định, cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay.

Sản xuất, phổ biến vaccine sản xuất trong nước trên tinh thần khẩn trương, nhưng thận trọng ảnh 1 ĐB Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại tổ ĐBQH TPHCM chiều 22-7. Ảnh: QUANG PHÚC 

Ghi nhận chiến lược phòng chống dịch đã chuyển trọng tâm vào việc nhanh chóng tiêm chủng vaccine rộng rãi cho cộng đồng, coi đây như chìa khoá thoát khỏi dịch bệnh, song ĐB đề nghị đẩy nhanh đàm phán, mua và tiêm chủng vaccine.

“Đến nay hầu hết vaccine có được là mua qua VNVC và viện trợ, chưa đáp ứng được nhu cầu. Nay Quốc hội họp chính là thời cơ để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Chúng ta không phủ nhận những gì đã làm được như triệt để khoanh vùng, cách ly dập dịch, nhưng với chủng Delta bây giờ, thì đó có còn là biện pháp căn bản hay không”, nữ ĐB băn khoăn.

Đặc biệt, việc tập trung chống dịch cũng tạo ra một nghịch lý khác nhiều bệnh nhân mãn tính ngại đến bệnh viện, không được chăm sóc kịp thời. Công tác khám chữa bệnh cũng như chính sách bảo hiểm y tế cần điều chỉnh như thế nào cho phù hợp – ĐB nêu vấn đề.

Mặt khác, ĐB Phong Lan bày tỏ lo lắng về các những trường hợp bệnh nhân mắc Covid-19 chuyển nặng, tử vong. Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế, trong khi các đơn vị y tế giờ không dám tiếp nhận hỗ trợ bằng tiền, vì “nhận tiền vì rủi ro lắm, chưa nói cố tình vi phạm, nhưng anh em nhiều khi không nắm được quy định, không dám giải ngân. Nếu cứ áp dụng quy định bình thường trong tình trạng khẩn cấp thì không ổn”.

Đây cũng là lo lắng của ĐB Trần Hoàng Ngân khi ông bày tỏ “rất đau buồn khi TPHCM đã có hàng trăm ca tử vong. Có vaccine là tốt rồi, cố gắng để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước, giảm tối đa thủ tục hành chính. Nếu các nước triển khai tiêm mũi thứ 3 mà chúng ta cứ chờ nguồn nước ngoài thì càng khó khăn hơn”.

Phát biểu tại phiên họp tổ TPHCM chiều 22-7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc đời sống cả vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt là một trong những thành quả quan trọng nhất. Thẳng  thắn nhìn nhận nhiều thách thức trước mắt, nhất là dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành trong nước và trên thế giới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao TPHCM đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để phòng chống dịch.

“Một số ĐBQH là lãnh đạo TPHCM đã không tham dự kỳ họp để tập trung chỉ đạo chống dịch, bởi vì không có gì quý bằng tính mạng, sức khỏe của người dân. Tôi cũng ngày đêm lo lắng, nhất là khi  đợt dịch lần này dịch đã bào mòn sức lực của người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch nước chia sẻ.

Sản xuất, phổ biến vaccine sản xuất trong nước trên tinh thần khẩn trương, nhưng thận trọng ảnh 2 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp tổ. Ảnh: QUANG PHÚC

Tán thành nhận định giải pháp vaccine là then chốt, Chủ tịch nước đồng ý thúc đẩy tiến trình nghiên cứu, sản xuất, phổ biến vaccine sản xuất trong nước trên tinh thần khẩn trương, nhưng thận trọng.

Về lâu dài, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị nguồn nhân lực tốt. “Nhân tài nằm ở bìa rừng góc núi cũng phải tìm cho ra. Ngoài năng lực bẩm sinh thì công tác đào tạo rất quan trọng. Phải khơi gợi tinh thần đổi mới sáng tạo vốn là tiềm năng thế mạnh của người Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục