Sản xuất phục hồi, doanh nghiệp “khát” lao động

Trao đổi với báo chí tại cuộc gặp gỡ đầu Xuân, diễn ra chiều 26-2 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chia sẻ: "Vừa rồi tôi xuống thăm cơ sở, có nơi tuyển mãi không ra lao động".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
img-6512-2779.jpeg
Ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ với báo chí

Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết: "Có nơi lên kế hoạch tuyển hơn 2.000 lao động, nhưng tuyển mãi chỉ được 800 người. Tình trạng thiếu lao động theo ngày, thiếu cục bộ theo điểm đã và đang diễn ra ở nhiều nơi".

Lý giải, ông Hiểu cho biết, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ có đơn hàng. Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, số đơn hàng về đã khá hơn. Gần đây, lượng đơn hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam đi Mỹ tăng đột biến. Về dệt may, có nhiều thông tin cho biết, các kho hàng tồn ở Mỹ và châu Âu cũng đã hết hàng, vơi hàng nên nhu cầu nhập khẩu tăng trở lại.

Đánh giá về bức tranh xuất khẩu nói chung, theo ông Hiểu, khó khăn nhất hiện nay là tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ khiến chi phí vận chuyển tăng cao, có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu. Nhưng, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng giữ được nhiều đơn hàng nhất để tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

“Tôi tin rằng tình trạng cắt giảm lao động trong các doanh nghiệp tại Việt Nam đã đi qua giai đoạn ảm đạm nhất và bước sang giai đoạn tốt hơn”, ông Hiểu nói.

img-6510-9485.jpeg
Các cấp công đoàn tổ chức tặng quà, hỗ trợ người lao động về quê đón Tết Giáp Thìn vừa qua

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho biết, từ ngày 19-2 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ tết; đồng thời người lao động ở các tỉnh xa cũng đã quay lại nhà máy, công ty, xí nghiệp, bắt đầu một năm mới lao động, sản xuất.

Thông tin từ Bộ LĐTB-XH và tổ chức công đoàn tại các địa phương, nhiều địa phương đang thiếu lao động, có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn công nhân. Trong đó, tại tỉnh Hà Tĩnh, các doanh nghiệp đang cần tuyển khoảng 17.000 lao động; tại tỉnh Bình Dương hiện có 153 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng gần 24.000 lao động, tập trung ở các ngành da giày, đồ gỗ, thực phẩm, may mặc, cơ khí, hóa chất...

det-may.jpeg
Dệt may phục hồi nhờ tăng đơn hàng, nhiều công ty đang tuyển lao động

Tương tự, tại tỉnh Nghệ An, năm 2024, có thêm một số doanh nghiệp lớn chính thức hoạt động nên cần tuyển dụng hơn 15.000 lao động (nhiều nhất là điện tử và dệt may). Tuy nhiên, việc tuyển lao động ở Nghệ An và Hà Tĩnh có thể khó khăn do nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài của người lao động ở các địa phương này tăng cao.

Còn tại tỉnh Bắc Giang, sau tết, nhiều doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh nên có nhu cầu tuyển dụng hơn 100.000 lao động, riêng trong quý I cần khoảng 20.000 lao động. Hiện địa phương này đang có hơn 7.600 doanh nghiệp hoạt động, trong đó 468 doanh nghiệp là công ty, tập đoàn có vốn FDI, sử dụng hơn 306.000 lao động.

Theo báo cáo tổng hợp cập nhật đến ngày 26-2 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đợt Tết Nguyên đán vừa qua, hơn 10,5 triệu lượt công nhân lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn, với tổng kinh phí hơn 7.025 tỷ đồng (tăng 15% so với dịp tết 2023). Trong đó, từ nguồn tài chính công đoàn là 3.506 tỷ đồng; kêu gọi xã hội hóa 3.519 tỷ đồng (chiếm 50,1% tổng số tiền chăm lo).

Đề cập nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, đại diện Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, chủ đề năm 2024 là tập trung đưa nghị quyết đại hội công đoàn Việt Nam vào cuộc sống, gắn với kỷ niệm 95 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 - 18-7-2024).

Tin cùng chuyên mục