
Tết Mậu Tý 2008 vừa qua có lẽ là năm cuối cùng người dân Bạc Liêu còn thấy những chiếc xe ba gác chở hàng hóa chạy ngoài đường vì không riêng gì Bạc Liêu mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước sẽ cấm xe 3, 4 bánh tự chế hoạt động. Tuy nhiên, nhiều người sắp bỏ nghề chạy xe ba gác vẫn vui khi tỉnh Bạc Liêu có chủ trương gia hạn thêm thời gian hoạt động của loại xe này và quan trọng hơn là đã kịp thời hỗ trợ chi phí tìm việc làm cho người dân.
Cơ hội cuối cùng
Sáng sớm, khi chợ nhóm họp trong nội ô thị xã Bạc Liêu thì hàng chục người chạy xe ba gác cũng vừa đưa “ngựa sắt” về bãi đậu, kết thúc một đêm vận chuyển hàng hóa ra chợ. Có người cố chạy thêm cuốc cuối để có thêm vài chục ngàn đồng.

Ông Triệu Xiêm lau chùi xe ba gác để chuẩn bị cho một đêm chở hàng hóa vào các chợ
Ông Triệu Xiêm, nhà gần rạp Cao Văn Lầu, năm nay bước sang tuổi 52 nhưng đã có gần 30 năm gắn bó với nghề chạy xe ba gác. Nhờ hai thùng sắt và chiếc xe gắn máy đời 67 mà ông đã mua được căn nhà nhỏ do Nhà nước hóa giá 4 triệu đồng trong một con hẻm và nuôi tám miệng ăn của gia đình.
Theo ông Xiêm, trước đây xe được chạy vào ban ngày, bình quân mỗi ngày ông vận chuyển rau cải, trái cây, thịt cá… từ các xã, phường lân cận cho tiểu thương trong chợ Bạc Liêu cũng kiếm được 100.000 – 120.000đ. Hơn một tháng qua, tuy cấm xe ba gác nhưng UBND tỉnh Bạc Liêu đã gia hạn thêm thời gian để phương tiện này hoạt động vào ban đêm nên thu nhập của ông tuy giảm nhưng cũng kiếm được 60.000 – 70.000đ/đêm.
Ông Xiêm cho biết: “Nhờ được gia hạn thời gian cho xe hoạt động mà tôi mua được bánh mứt, trái cây và thịt heo cho vợ con ăn tết. Mong muốn của anh em chạy xe lôi máy và xe ba gác bây giờ là được chính quyền địa phương gia hạn thời gian hoạt động thêm vài tháng nữa để tụi này đủ thời gian chuyển đổi nghề nghiệp”.
Dọc theo quốc lộ 1A, hàng chục xe được dựng trước nhà để chờ đêm xuống sẽ lên đường đưa rau cải, thịt cá từ đồng quê ra chợ. Anh Tư Sang ở xã thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình cho rằng nếu như UBND tỉnh Bạc Liêu không gia hạn thêm thời gian hoạt động của xe ba gác thì trong những ngày trước, trong và sau tết khó có phương tiện nào phù hợp để vận chuyển hàng hóa, bánh mứt, nông sản vào những con đường nhỏ ở các chợ.
Không chỉ vậy, với số tiền 3,6 triệu đồng được huyện hỗ trợ để chuyển đổi việc làm anh sẽ mua một chiếc xe bán bánh mì thịt vào ban đêm, “đồng lời tuy ít hơn chạy xe lôi máy nhưng có thể đủ nuôi tụi nhỏ ăn học”.
Đã giúp cần câu…
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người chạy xe ba gác ở Bạc Liêu rất đồng tình với chủ trương gia hạn thêm thời gian hoạt động cho xe 3, 4 bánh tự chế. Càng phấn khởi hơn khi nhiều địa phương hiểu được hoàn cảnh khó khăn của những gia đình nghèo có thu nhập duy nhất từ nghề chạy xe lôi máy, xe ba gác nên đã kịp thời trợ cấp chi phí tìm việc làm.
Ông Trần Thanh Tâm, Chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, cho biết toàn huyện có trên 200 người chạy xe lôi máy, xe ba gác đã được nhận tiền hỗ trợ chuyển đổi việc làm và học nghề. Sau tết, với đồng vốn có được, những người trước đây chạy xe lôi máy, xe ba gác sẽ đi học nghề hoặc tìm việc làm khác phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.
Trong khi đó, khoảng 150 gia đình có xe ba gác, xe lôi máy ở huyện Vĩnh Lợi cũng đã nhận được 1,8 triệu đồng/hộ để tìm việc làm. Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lợi Đào Ngọc Tháo cho biết đang chuẩn bị hỗ trợ đợt hai với số tiền 1,8 triệu đồng/hộ để gia đình có người chạy xe ba gác học nghề.
Bên cạnh đó, các địa phương đang ưu tiên giúp đỡ con em những gia đình có người chạy xe ba gác tìm việc làm tốt nhất tại các làng nghề truyền thống trong tỉnh để có thu nhập ổn định.
HỒNG DÂN
Tỉnh Bạc Liêu hiện có khoảng 1.600 xe lôi máy, xe ba gác với gần 5.000 nhân khẩu sống phụ thuộc vào nghề này. Gia hạn thêm thời gian hoạt động của xe ba gác là một chủ trương đúng nhưng hiện nay vẫn còn một số người ở thị xã Bạc Liêu chưa nhận được tiền hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Ông Phạm Hoàng Bê, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thời điểm trao tiền hỗ trợ sẽ do chủ tịch UBND thị xã Bạc Liêu và các huyện quyết định. Do đó, UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ tổ chức một cuộc họp để nghe lãnh đạo các huyện, thị... báo cáo tiến độ hỗ trợ cho những người chạy xe lôi máy, xe ba gác để người dân sớm có điều kiện tìm việc làm mới. Tại Trà Vinh, anh Trần Quang Lâm chạy xe ba gác ở thị xã Trà Vinh cho biết, mặc dù tỉnh chỉ cho phép chạy từ 21g đến 4g sáng hôm sau nhưng những người chạy xe lôi máy, xe ba gác vẫn có thu nhập ổn định từ 50.000 – 60.000đ/đêm nhờ vận chuyển hàng hóa về các chợ. Tỉnh Trà Vinh có khoảng 2.000 xe lôi máy, xe ba gác hoạt động cho đến khi có đề án chuyển đổi các phương tiện này (dự kiến chậm nhất đến hết tháng 12-2008). |