Sát cánh cùng nạn nhân chất độc da cam

Chiều 20-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 701), đã đến thăm, làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Thủ tướng làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng làm việc với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan điểm phát triển bao trùm là làm sao người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng và nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều được quan tâm. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn còn nhiều người mang trong mình chất độc da cam/dioxin, nhiều trẻ em bị dị tật, sống thực vật; nhiều chị em bị mất thiên chức làm vợ, làm mẹ. Hiện có trên 800.000 người nhiễm chất độc da cam/dioxin được trợ cấp trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Thủ tướng khẳng định sẽ làm hết sức mình để có nguồn lực cho hội và những người bị nhiễm có điều kiện sống tốt hơn, cố gắng không để sót ai, nhất là thế hệ thứ 3. Thủ tướng kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp tục sát cánh cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong cuộc đồng hành nhân ái vì nạn nhân chất độc da cam.

Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 10-1-2004, đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã thành lập các cấp hội ở 63 tỉnh, thành phố; trên 600 huyện, quận; 6.500 xã, phường với trên 400.000 hội viên. Tính đến tháng 12-2020, hội đã vận động được gần 2.550 tỷ đồng; riêng năm 2020, vận động được gần 370 tỷ đồng. Số tiền đó đã được sử dụng hỗ trợ sửa, làm nhà tình nghĩa, trợ cấp học bổng, trợ giúp tìm việc làm… cho hàng trăm ngàn lượt nạn nhân.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao 50 căn nhà tình nghĩa tặng nạn nhân chất độc da cam/dioxin và 500 triệu đồng cho Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, dạy nghề cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Ngày 20-1, tại TP Biên Hòa, Bộ Quốc phòng - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo Quốc gia 701) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tổ chức lễ công bố kết quả xử lý dioxin ở Hồ cổng 2, sân bay Biên Hòa.

Theo đó, Dự án Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa được khởi công từ tháng 12-2019 và trong năm 2020 các lực lượng chức năng đã thực hiện bốc xúc gần 1.200m3 trầm tích ô nhiễm dioxin vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép đưa vào khu vực xử lý ở công đoạn tiếp theo; giải phóng và phục hồi toàn bộ diện tích bề mặt Hồ cổng 2 (hơn 5.300m2), đáp ứng tiêu chuẩn về ngưỡng của Việt Nam, đảm bảo về an toàn lao động, con người, môi trường và các công trình xung quanh. Trong năm 2021, Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục bàn giao mặt bằng các khu vực ô nhiễm dioxin phía trong sân bay Biên Hòa với tổng diện tích khoảng 7,2ha cho Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ để tiến hành xử lý, phục hồi và xây dựng công trình. 

Cùng ngày, Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam phối hợp khởi động dự án hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam tại các tỉnh bị phun rải chất độc da cam.  Dự án được sử dụng nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ là 65 triệu USD và một phần vốn đối ứng của Việt Nam khoảng 75 tỷ đồng. Dự án sẽ hỗ trợ 100.000 người khuyết tật và gia đình của họ, nâng cao năng lực hệ thống cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật tại một số tỉnh. 

                                                                                                  TIẾN MINH

Tin cùng chuyên mục