Tương trợ nhau
Hơn 11 giờ trưa 21-5, sau giờ tan học, một số SV Trường ĐH Y Dược TPHCM ghé vào Góc chia sẻ (sảnh tầng 15 tòa nhà Y - Nha) của trường lấy ký gạo, cây xúc xích, chai nước tương, gói mì… Chọn một bịch sữa và cây xúc xích trên kệ, vừa ăn vừa tranh thủ ôn tập, Nguyễn Ngọc Anh (SV năm 4 ngành Y khoa) vui mừng chia sẻ: “Giờ chẳng may hết tiền khi trợ cấp chưa vào kịp thì SV chúng tôi cũng không phải nhịn đói, hoặc những khi bài vở nhiều quá phải ở lại trường học thì cũng có đồ ăn miễn phí, vừa tiết kiệm tiền, vừa tiết kiệm thời gian đi lại”.
Góc sẻ chia của Trường ĐH Y Dược TPHCM được khánh thành vào ngày 19-5, đúng vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm hỗ trợ các bạn SV hoàn cảnh khó khăn. Góc sẻ chia với các kệ để thức ăn, nước uống, quần áo, nhu yếu phẩm thiết yếu, dụng cụ học tập, giáo trình tài liệu... được các mạnh thường quân, giảng viên, cán bộ viên chức, cựu SV và SV trong trường chung tay đóng góp.
Thạc sĩ - dược sĩ Trương Văn Đạt, Trưởng phòng Công tác SV, Bí thư Đoàn trường, người khởi xướng mô hình Góc sẻ chia, cho biết: “Với phương châm ai dư đến cho - ai thiếu đến lấy, Góc sẻ chia không đơn thuần là nơi cung cấp các vật dụng thiết yếu cho SV khó khăn, mà còn là nơi lan tỏa tình yêu thương giữa con người với con người, thể hiện truyền thống lá lành đùm lá rách của dân tộc. Chúng tôi cũng hy vọng, những bạn nhận được sự hỗ trợ hôm nay sau này sẽ quay trở lại cùng chung tay với nhà trường lan tỏa thêm những giá trị tốt đẹp mà Góc sẻ chia mang lại”.
Trước đó, trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Đoàn trường cũng đã chăm lo trực tiếp cho hơn 400 SV hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ suất ăn miễn phí cho 535 SV tại ký túc xá; vận động hơn 1 tỷ đồng quỹ hỗ trợ SV; vận động hơn 4.000 khẩu trang y tế hỗ trợ SV trong các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng, thực tập tại cơ sở y tế; sản xuất 15.000 chai dung dịch sát khuẩn cá nhân để trang bị cho SV, cán bộ nhân viên mang theo và sử dụng.
"Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thầy và trò Trường ĐH Y Dược TPHCM luôn nêu cao tinh thần tình nguyện, phát huy thế mạnh chuyên môn, xung kích đi đầu trong phòng chống dịch Covid-19. Nhất là đối với SV, chúng tôi luôn khuyến khích, động viên, tạo mọi điều kiện và đồng hành cùng các em trong hoạt động tình nguyện, với mục tiêu đóng góp sức trẻ, trí tuệ, nhiệt huyết cho TPHCM, cho đất nước. Lời dạy “Đừng có ngại khó, ngại khổ. Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch; phải dấn thân vào chỗ đau để làm giảm bớt đau khổ…” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các tấm gương thầy thuốc đi trước luôn là động lực để chúng tôi hết mình phục vụ vì cộng đồng, nêu cao y đức và trách nhiệm với xã hội bằng các hoạt động sáng tạo, trực tiếp, thiết thực." -TS NGÔ ĐỒNG KHANH, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TPHCM |
Đâu cần thanh niên có
“Nhận sẻ chia của cộng đồng và sẻ chia lại với cộng đồng không chỉ là sự trả ơn mà còn là trách nhiệm của người trẻ chúng tôi”, Lê Thanh Truyền (SV năm 5 ngành Y học dự phòng) bày tỏ. Truyền là một trong hàng trăm SV của trường xung phong hỗ trợ tuyến đầu chống dịch trong đợt dịch Covid-19 hoành hành. “Là thanh niên, là thế hệ tiên phong, hơn nữa trong tay tôi ít ra cũng có “vũ khí” là kiến thức về ngành y mà tôi đã và đang trau dồi, vì vậy tôi không có lý do để chần chừ trước nguy cơ của đất nước”, Truyền trải lòng.
Bí thư Đoàn trường ĐH Y Dược TPHCM Trương Văn Đạt cho biết, từ đầu tháng 2, khi tình hình dịch bệnh bước vào giai đoạn 2 và ngày càng trở nên căng thẳng, Đoàn trường đã lên kế hoạch để không bỏ uổng nguồn nhân lực khá dồi dào là những bác sĩ tương lai. Theo đó, Đội SV tình nguyện tham gia hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM được thành lập, với hơn 50 SV tham gia mỗi ngày. Với tiêu chí “phòng hơn chống”, nhà trường đã xây dựng đội hình “Tuổi trẻ Blouse trắng tình nguyện” gồm hơn 100 bác sĩ trẻ, SV tình nguyện tham gia công tác tuyên truyền về dịch bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng chống và vận động khai báo y tế toàn dân tại các khu chung cư, khu lưu trú, xóm trọ trên địa bàn thành phố.
Theo Nông Thị Thu Thảo (SV năm 6 ngành Y học dự phòng), chuỗi ngày dịch bệnh, phải “giáp lá cà” với những trường hợp nhiễm và nghi nhiễm Covid-19, Thu Thảo mới hiểu hết được những vất vả của các bác sĩ tuyến đầu. “Được chia sẻ với các cô chú, anh chị và nhất là góp một phần công sức vào công cuộc chống dịch của thành phố, chúng tôi coi đây là quãng thời gian quý giá để trải nghiệm, là dịp để chúng tôi soi lại bản thân và cảm thấy tự hào khi luôn xung kích đúng với tinh thần “Đâu cần, thanh niên có” của tuổi trẻ Việt Nam”, Thu Thảo tâm sự.
Ngoài các hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch, SV Trường ĐH Y Dược TPHCM còn triển khai các hoạt động quyên góp nhằm hỗ trợ nhân viên y tế và lực lượng tại các tuyến đầu chống dịch. Kết quả thu được hơn 800 bộ đồ bảo hộ, gần 1.000 chai nước rửa tay, 3.000 khẩu trang kháng khuẩn các loại và nhu yếu phẩm, hơn 66 triệu đồng hỗ trợ cho 8 bệnh viện, trung tâm y tế và trung tâm cách ly.