Chính phủ đang hoàn thiện để trình Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH), trong đó có việc lập Quỹ Nhà ở quốc gia. Đây sẽ là cơ hội để người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp được đáp ứng nhu cầu về chỗ ở. Để cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc, phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng xung quanh vấn đề này.

- PHÓNG VIÊN: Theo ông, việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay?
* Ông HÀ QUANG HƯNG: Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tiến độ thực hiện đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” chưa đạt kỳ vọng. Theo báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến tháng 3-2025, cả nước mới có 66.755 căn hộ hoàn thành, đạt khoảng 15,6% mục tiêu của đề án đến năm 2025. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến nguồn cung NƠXH khan hiếm là thiếu nguồn lực tài chính để hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai các dự án NƠXH theo hướng dài hạn, bền vững.
Trong giai đoạn vừa qua, có một số quỹ phát triển nhà ở tại địa phương đã đi vào hoạt động, trong đó quỹ phát triển nhà ở của TPHCM hoạt động khá hiệu quả. Tuy nhiên, các quỹ này đều gặp khó khăn do không được ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn. Trong khi đó, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác lại không ưu tiên hỗ trợ NƠXH. Các doanh nghiệp chủ yếu phải tự thu xếp vốn.
Điều này chưa thể hiện được vai trò của Nhà nước như quan điểm của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Do vậy, việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia là cần thiết, giúp giải quyết các vướng mắc hiện hữu, tạo lập nguồn vốn ổn định, bền vững cho phát triển NƠXH, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân an cư.
- Quỹ dự kiến sẽ hoạt động như thế nào, thưa ông?
* Bộ Xây dựng đang đề xuất Chính phủ trình Quốc hội thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương. Nguồn thu của quỹ hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác. Chức năng chính của quỹ là đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ NƠXH, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.
- Lộ trình thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia và cần làm gì để quỹ này hoạt động hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đề ra?
* Việc nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia hiện đã được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về chủ trương. Tuy nhiên, để quỹ có thể hoạt động hiệu quả, đúng mục tiêu, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí, cần phải nghiên cứu, quy định chi tiết, cụ thể, bao gồm cả cơ chế báo cáo, giám sát thường xuyên hoạt động của quỹ. Nhiệm vụ này sẽ được Chính phủ quy định trong nghị định của Chính phủ sau khi nghị quyết được Quốc hội thông qua. Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo nghị định trình Chính phủ xem xét, ban hành.
- Bên cạnh đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia, cơ chế chính sách đặc thù phát triển NƠXH còn có những điểm nào đáng chú ý?
* Hiện việc triển khai các dự án NƠXH vẫn giống như dự án nhà ở thương mại, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện, khó đạt mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu NƠXH vào năm 2030.
Do vậy, lần này, ngoài nội dung về Quỹ Nhà ở quốc gia, Chính phủ còn đề xuất thí điểm một số chính sách như: chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng NƠXH không sử dụng vốn đầu tư công không thông qua đấu thầu. Đồng thời, một số thủ tục sẽ được cắt giảm trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng NƠXH; thủ tục đầu tư xây dựng NƠXH; xác định giá bán, giá thuê mua NƠXH. Đặc biệt, một số chính sách sẽ được ban hành về: điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH; việc thuê NƠXH của doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất phát triển NƠXH. Đây là những cơ chế, chính sách mang tính đột phá, được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án NƠXH tại các địa phương trong thời gian tới.