Sẽ công bố bản đồ việc làm từ năm 2022 ​

Dự kiến từ năm 2022, trong chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ đề xuất phối hợp với GSO công bố các ấn phẩm về việc làm, bản đồ việc làm, Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng LĐTB-XH Đào Ngọc Dung

Sáng 11-11, Quốc hội tiếp tục hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung.

Một số câu hỏi đã được gửi đến Bộ trưởng từ chiều hôm qua ( ngày 10-11), liên quan đến tình trạng làn sóng người lao động về quê và vấn đề đào tạo nghề (ĐB Vũ Tiến Lộc - Hà Nội). Gánh nặng của doanh nghiệp trong việc áp dụng phương thức "3 tại chỗ, 1 cung đường, 2 điểm đến" và những bất cập trong thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ khiến nhiều lao động tự do chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ (ĐB Phạm Văn Hòa, Đồng Tháp). Bên cạnh đó là việc cơ cấu lại địa bàn và lĩnh vực đầu tư theo lao động để người lao động hạn chế di cư, để "ly nông mà không ly hương"; giải pháp tăng cường vốn vay giải quyết việc làm trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19 (ĐB Lưu Văn Đức - Đắk Lắk). ĐB Nguyễn Thị Lan Anh (Lào Cai) hỏi về chính sách chuẩn bị lực lượng lao động và chuyển hướng đào tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng báo cáo làm rõ thêm các vấn đề trong lĩnh vực này.

Sẽ công bố bản đồ việc làm từ năm 2022 ​ ảnh 1 Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội)

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào với 55 triệu người, nhưng cùng lúc phải giải quyết 2 bài toán. Một là nâng cao chất lượng mặt bằng của lực lượng lao động nói chung. Hai là thích ứng với các xu hướng tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mà theo dự báo, trong 5 năm tới sẽ làm cho khoảng 1/3 công việc hiện nay thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu nếu kỹ năng lao động không được nâng lên.

Theo Bộ trưởng LĐTB-XH, mục tiêu đặt ra là đến 2025 có khoảng 30-35% lao động có bằng cấp, chứng chỉ; phấn đấu đến năm 2030 đạt 40-45%. Đây là chỉ tiêu rất cao, đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Chính phủ có chủ trương, chính sách hình thành lực lượng lao động có chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp trình độ các nước ASEAN 4 và G20. Chính phủ cũng cho phép thành lập 80 trường đào tạo nghề chất lượng cao trong nhiệm kỳ này, thiết lập 3 trung tâm vùng quốc gia (ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam) có chức năng dẫn dắt, đào tạo nghề trong tương lai, tập trung đào tạo ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm mà ta còn thiếu và đòi hỏi chất lượng cao.

Liên quan đến đề nghị của ĐB về công bố “Sách Trắng” về thông tin tình hình lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói Tổng cục Thống kê (GSO) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có các báo cáo quý, ngành lao động cũng có cập nhập, nhưng thông tin vẫn "đi chậm so với thị trường". Thời gian tới, trong chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ đề xuất phối hợp với GSO công bố các ấn phẩm về việc làm, bản đồ việc làm, dự kiến từ năm 2022.

“Việc công bố Sách Trắng lao động, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ở thời điểm cho phép và có tác động đến thị trường sẽ làm”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết.

Tin cùng chuyên mục