Phim ngắn 2008: Hy vọng ở lớp đạo diễn trẻ

Lóe lên những triển vọng
Phim ngắn 2008: Hy vọng ở lớp đạo diễn trẻ

Giải Cánh diều dành cho phim ngắn được xem là một giải thưởng có uy tín của thể loại này ở Việt Nam, đồng thời cũng là “tấm giấy thông hành” cho những gương mặt trẻ muốn trở thành đạo diễn chuyên nghiệp.

Liên hoan phim ngắn 2008 vừa khép lại, với 10 tác phẩm được trao giải trên tổng số 55 tác phẩm dự thi. 12 bộ phim xuất sắc nhất được trình chiếu trước buổi trao giải, đã hé lộ những tín hiệu khả quan cho một lớp đạo diễn mới…

Lóe lên những triển vọng

Phim ngắn 2008: Hy vọng ở lớp đạo diễn trẻ ảnh 1

Các tác giả trẻ đoạt giải.

Có thể chia các tác phẩm dự thi ra làm ba thể loại: phim truyện, phim tài liệu và phim hoạt hình, nhưng cũng có thể gộp làm một với tên gọi chung: phim ngắn. Đó là những bộ phim “lạ” và “rất nghề” dưới con mắt đánh giá của những nhà chuyên môn, cũng là yếu tố bật lên của giải năm nay.

Vì lạ nên “Bóng rối” nhận được giải vàng dù người xem chẳng hiểu bộ phim nói gì, bản thân đạo diễn cũng thật thà tuyên bố “không hiểu” ngay chính tác phẩm của mình. Cô nói ý đồ của cô muốn nói về nỗi sợ hãi của con người do chính họ gây nên.

 “Mỗi người luôn có những “bóng rối” của đam mê, dục vọng không dễ bộc lộ nhưng tất cả sẽ tan biến khi ta dám bắt đầu một ngày mới”. Ở giải bạc, các bộ phim “Đi về nơi hoang dã”, “Khe hở”, “Ảnh ảo” cũng mang màu sắc lạ.

Tác giả Phan Hồng Thanh của “Đi về nơi hoang dã” khai thác triết lý tình cảm qua một câu chuyện về mối quan hệ của ba nhân vật Thứ Sáu, Gạt Tàn và Linh Minh. “Nói cho cùng con người ta có hoàn toàn hiểu nhau không?”, “Những câu trả lời thì qua đi còn câu hỏi thì ở lại”, “Yêu có cần phải nói lý do?”…

Hình ảnh ẩn dụ của cái giếng trong bộ phim giống như một tấm gương để mỗi người soi lại mình: liệu ta có tự tin rằng mình luôn nói thật, sống thật với lòng mình không? “Khe hở” của Nguyễn Mỹ Dung thì khai thác hiện tượng đang nóng trong xã hội, đó là sự lệch lạc giới tính. “Ảnh ảo” tìm đến thị hiếu của khán giả tuổi teen bằng những kỹ xảo.

Hai giải khuyến khích “Những vòng xe” và “Bồ câu không đưa thư”, một mang màu sắc tự sự của cuộc sống và một là câu chuyện tình hài hước lãng mạn, hiện đại. Trong bốn tác phẩm được trao bằng khen, nổi bật có hai tác phẩm “lạc loài” ở hai thể loại hoạt hình và tài liệu đã tạo được ấn tượng đặc biệt với khán giả trong liên hoan.

“Thỏ và Rùa”, một câu chuyện ngụ ngôn quen thuộc đã từng làm phim hoạt hình nhiều lần, tuy nhiên với phiên bản mới của Huỳnh Vĩnh Sơn, khán giả nhí hoàn toàn có thể tin vào sự phát triển của hoạt hình Việt Nam.

Bộ phim tài liệu “Hành trình cãi mụ” của tác giả Võ Anh Cẩn gây bất ngờ bởi câu chuyện của một “cô gái” sinh ra dưới hình hài của một thanh niên nhưng luôn mong ước được là chính mình… Không đi vào khai thác yếu tố đồng tính, bộ phim chỉ như một lời chia sẻ, một cái nhìn cảm thông với những số phận chưa được xã hội chấp nhận. Tính chân thực bật lên qua nội dung phim, qua những tâm sự rất chân tình của nhân vật. Đặc biệt, đọng trong lòng khán giả là câu hỏi làm thế nào tác giả có thể thuyết phục nhân vật xuất hiện như thế?

Thoáng buồn cho giải thưởng

Bên thềm của cuộc thi, không chỉ các thí sinh mà cả các thầy cô, đạo diễn chuyên nghiệp cũng băn khoăn về giải thưởng. Đâu đó chưa bằng lòng với giải vàng được trao cho “Bóng rối”. “Chúng tôi không chấm dựa trên tiêu chí nội dung mà là yếu tố thể hiện trong tác phẩm, tay nghề của tác giả…” – đạo diễn Phạm Nhuệ Giang nói.

Giải bạc dành cho “Ảnh ảo” cũng khiến không ít thí sinh thắc mắc. Rõ ràng bộ phim thành công về mặt kỹ xảo, nhưng đó chưa nói lên tay nghề của đạo diễn. Câu chuyện “Khe hở” cũng vậy, ngoài một cái kết gây bất ngờ ra thì toàn bộ câu chuyện không có gì đặc biệt. Một thanh niên sống trong sự bế tắc, chán chường đi lang thang, chơi với một con rùa, hay nhìn trộm cô hàng xóm tắm và có lần anh ta còn định chôm đồ lót của cô. Trong khi khán giả tưởng anh này có ý đồ bậy bạ thì phát hiện ra anh ta chỉ muốn được như cô ấy, là trở thành một phụ nữ! 

Hiếm có giải thưởng nào không có những ý kiến khác nhau. Một vài ý kiến cho rằng, phải chăng vì thiếu giám khảo chuyên môn ở những lĩnh vực này trong hội đồng giám khảo (toàn bộ giám khảo là các đạo diễn phim truyện).

Nhưng nói như lời một đạo diễn, đồng thời cũng là giáo viên hướng dẫn bài tốt nghiệp cho sinh viên khoa đạo diễn tại Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM: “Chỉ hy vọng giải thưởng sẽ không khiến các em nản lòng. Tuy giải thưởng quan trọng thật, nhưng điều quan trọng hơn là thực lực của chính các em”.

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục