Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Chính phủ sẽ có lộ trình cụ thể của việc tính đúng, tính đủ viện phí

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là một dự án luật rất khó vì liên quan lĩnh vực chuyên môn sâu, đối tượng rộng, tác động đến một vấn đề quý nhất của con người, đó là sức khỏe và toàn bộ hơn 100 triệu dân. Luật này cũng chịu tác động của rất nhiều các luật khác.

Chiều 6-1, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình tại phiên thảo luận của Quốc hội ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: QUANG PHÚC

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: QUANG PHÚC

Về việc kiểm soát chất lượng người hành nghề, Bộ trưởng cho biết, đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến chất lượng KBCB và liên quan trực tiếp đến sinh mạng, tính mạng của người dân, vì vậy cơ quan soạn thảo rất coi trọng vấn đề kiểm soát chất lượng người hành nghề. Đây cũng là xu hướng trên thế giới, các cơ quan kiểm soát chất lượng đánh giá rất cao việc phải cung cấp được chất lượng hành nghề một cách tối ưu nhất, giúp cho người dân trong quá trình KBCB.

Về thời hạn giấy phép hành nghề, điều này để giải quyết vấn đề của Luật KBCB năm 2009 là chứng chỉ hành nghề không có thời hạn, trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số yếu điểm, vướng mắc, tồn tại liên quan việc không có thời hạn này.

Để hội nhập quốc tế, dự án Luật KBCB sửa đổi đã quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm kể từ ngày cấp, đây là một trong những biện pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề liên quan tới chất lượng cũng như đạo đức người hành nghề. Theo đó, người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục nhằm hạn chế tối đa các sai sót về mặt chuyên môn, đủ điều kiện gia hạn giấy phép hành nghề.

Để hạn chế tối đa việc phát sinh thêm các thủ tục hành chính gây vướng mắc trong quá trình cấp giấy phép hành nghề, dự thảo luật đã quy định tổ chức đánh giá năng lực trực tuyến và giao cho các cơ sở, các địa phương triển khai thực hiện.

Hội đồng Y khoa quốc gia không phải là đơn vị duy nhất tổ chức thực hiện nội dung này, mà sẽ phối hợp cùng với các hội nghề nghiệp, giao cho các địa phương, các cơ sở đào tạo thực hiện cấp giấy phép hành nghề trên cơ sở đánh giá năng lực chung của phương án mà Hội đồng Y khoa đưa ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp chiều 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp chiều 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Liên quan nội dung về tự chủ trong cơ sở y tế công lập, Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật quy định chung một số vấn đề mang tính nguyên tắc để có định hướng triển khai thực hiện, tháo gỡ khó khăn trước mắt cho các cơ sở y tế. Về lâu dài, Chính phủ sẽ xem xét trình Quốc hội luật riêng về việc thực hiện tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế… qua đó sẽ đưa ra hành lang pháp lý rõ ràng, giải quyết các tồn tại, hạn chế đã tồn tại nhiều năm trong vấn đề này ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Về vấn đề giá KBCB, nếu giải quyết được nội dung này sẽ giải quyết được những vấn đề căn cơ, khó khăn đối với các bệnh viện trong thời gian vừa qua. Dự kiến dự thảo luật chỉnh lý quy định về các nội dung liên quan đến giá KBCB sẽ được thực hiện như sau.

Thứ nhất, luật quy định về các yếu tố hình thành giá theo hướng tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, luật quy định giao cho Chính phủ quy định về lộ trình cụ thể của việc tính đúng, tính đủ, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm xã hội, của ngân sách và khả năng của người dân (hiện nay, chúng ta mới tính được 2/4 yếu tố là nhân công và chi phí trực tiếp, còn các chi phí liên quan đến khấu hao và quản lý thì chưa được tính trong giá thành).

Quốc hội chiều 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Quốc hội chiều 6-1. Ảnh: QUANG PHÚC

Thứ hai, trên cơ sở lộ trình do Chính phủ quy định, Bộ Y tế sẽ quy định giá dịch vụ KBCB do Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán và do ngân sách nhà nước thanh toán như là giá thanh toán đối với KBCB Covid-19 trong thời gian qua. HĐND cấp tỉnh sẽ quy định giá dịch vụ của các cơ sở KBCB trên địa bàn của tỉnh quản lý nhưng không được vượt qua mức giá dịch vụ KBCB tương ứng do Bộ Y tế quy định.

Thứ ba, cơ sở KBCB của Nhà nước thì được tự quyết định giá KBCB theo yêu cầu; cơ sở KBCB tư nhân thì được quyết định giá theo luật hiện hành, đi liền với đó là yêu cầu kê khai, niêm yết, công khai giá theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra đối với pháp luật về giá.

Bộ trưởng cho rằng, việc thông qua dự thảo luật vào kỳ họp này hết sức là quan trọng đối với ngành y tế nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động hiện nay; đồng thời có đủ thời gian cho các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn. Nếu được thông qua tại kỳ họp này thì Chính phủ sẽ có khoảng gần một năm để xây dựng các văn bản hướng dẫn để luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2024.

Mặt khác, sẽ tạo điều kiện, tạo tiền đề cho việc xây dựng các quy định có liên quan như Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh (sửa đổi), Luật Lấy, hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người.

Tin cùng chuyên mục