Siết chặt quy chế để bệnh viện an toàn

Thời gian gần đây, tình trạng nhân viên y tế bị người nhà bệnh nhân hành hung tiếp tục xảy ra, gây bất an cho đội ngũ thầy thuốc, khiến dư luận bức xúc. Để nhân viên y tế an toàn, an tâm trong hoạt động chuyên môn, đòi hỏi cần siết chặt quy chế phối hợp giữa ngành y tế TPHCM và các đơn vị liên quan.

Bất an

Trở lại Bệnh viện Quận 7 sau hơn 1 tuần bác sĩ của Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc bị người nhà bệnh nhân hành hung, tâm lý đội ngũ y, bác sĩ dù đã có phần ổn định nhưng nỗi lo vẫn đè nặng. BS CKI Dương Phát Triểng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Quận 7, cho biết, khoa có trên 20 y, bác sĩ để tổ chức công tác cấp cứu.

Có nhiều trường hợp khi đưa vào khoa đã ngưng tim, ngưng thở, do đó khoa gần như phải huy động toàn bộ y, bác sĩ trong ca trực hoặc “báo động đỏ” để tìm giải pháp tốt nhất giành giật sự sống cho bệnh nhân. “Có những trường hợp nặng, người nhà bệnh nhân do nôn nóng đã có hành vi, lời nói không đúng với bác sĩ. Tệ hơn còn bạo hành chúng tôi ngay trước mặt bệnh nhân”, BS Triểng chia sẻ.

l1g-7652.jpg
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Quận 7 cùng đồng nghiệp cấp cứu ca ngưng tim, ngưng thở

Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong năm 2022, các cơ sở y tế trực thuộc xảy ra 240 vụ việc liên quan tới trộm cắp, giả mạo giấy phép hành nghề, chứng chỉ hành nghề, gây rối…, trong đó có 15 vụ bạo hành nhân viên y tế. Còn theo số liệu của Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế về những vụ mất an ninh trật tự tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong năm 2022 thì đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ (chiếm 70%).

Có tới 90% vụ việc xảy ra tại khuôn viên bệnh viện, trung tâm y tế. Số vụ việc tấn công trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân chiếm 60%; khi thầy thuốc đang giải thích về bệnh lý cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân chiếm 30%… Các con số thống kê này cho thấy tình trạng nhân viên y tế bị hành hung đáng báo động.

Tăng cường an ninh nội viện

Hiện TPHCM có 13 bệnh viện trực thuộc Trung ương và các bộ, ngành; 32 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp thành phố; 19 bệnh viện đa khoa tuyến quận, huyện và TP Thủ Đức; 58 bệnh viện tư nhân; 6.300 phòng khám chuyên khoa, đa khoa và 5 trung tâm chuyên ngành, y tế dự phòng. Môi trường xung quanh bệnh viện là điều kiện nảy sinh những hoạt động phức tạp, gây mất an ninh trật tự như trộm cắp, bắt cóc trẻ em, bảo kê, “cò” khám chữa bệnh, cạnh tranh dịch vụ người nuôi bệnh, xe cứu thương chở bệnh…

l4a-6923.jpg
Nhân viên y tế Bệnh viện Quận 7 (TPHCM) bị người nhà bệnh nhân hành hung vào ngày 3-12

Ban giám đốc Công an TPHCM đã chỉ đạo công an địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Quy chế số 03/ QC-BCA-BYT ngày 26-9-2017 giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về việc phối hợp giữa 2 bộ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong lĩnh vực y tế; Quy chế phối hợp số 36/KCB-CSQLHC ngày 28-1-2019 giữa Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội về bảo đảm an ninh trật tự tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường lực lượng, có mặt kịp thời hỗ trợ các bệnh viện ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong và ngoài bệnh viện.

Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cho biết, để đảm bảo an ninh trật tự cho các cơ sở y tế, trong năm 2022, Công an quận 5 đã ký kết quy chế phối hợp đảm bảo an ninh trật tự với các bệnh viện. Qua 1 năm thực hiện quy chế phối hợp, công an địa phương phát hiện, xử lý 15 vụ, bắt 16 đối tượng. UBND quận 5 tiếp tục chỉ đạo Công an quận 5 chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của quận, UBND các phường, ban giám đốc các bệnh viện tăng cường kết nối, kịp thời xử lý triệt để các trường hợp vi phạm về an ninh trật tự trong và ngoài bệnh viện.

TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho hay, bệnh viện luôn đặc biệt quan tâm đến công tác an ninh trật tự, PCCC. Ngoài việc tập huấn kỹ năng giao tiếp, giải thích, thuyết phục… cho đội ngũ nhân viên y tế, bệnh viện còn trang bị 1.066 camera giám sát an ninh tại 2 cơ sở; tăng cường đội ngũ nhân viên bảo vệ túc trực 24/24 giờ ở Khoa Cấp cứu và tại các nơi đông người như quầy tiếp nhận, quầy thu tiền, khoa khám bệnh…

Qua đó đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và hướng đến sự hài lòng của bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện ký quy chế phối hợp với Công an quận Bình Thạnh, Công an TP Thủ Đức trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại 2 cơ sở của bệnh viện. Phối hợp Công an phường 7 (quận Bình Thạnh), Công an phường Tân Phú (TP Thủ Đức) tuần tra, kiểm tra định kỳ 1 tuần /lần vào buổi sáng các ngày thứ hai, thứ ba phía ngoài bệnh viện và hỗ trợ tuần tra khu khám bệnh, siêu âm, khu tập trung đông người...

Code Grey là hệ thống phản ứng khẩn cấp sự cố an ninh trật tự trong bệnh viện, được Bệnh viện Nhân dân Gia Định nghiên cứu áp dụng từ năm 2019, sau đó được Sở Y tế TPHCM nhân rộng ra các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố. Hệ thống được tích hợp tổng đài ảo tạo ra các file giọng nói với nhiều cách đọc khác nhau, gọi được nhiều số điện thoại cùng lúc. Chỉ mất 1-2 phút kể từ lúc tổng đài nhấn nút báo động Code Grey là ban giám đốc, trực lãnh đạo, nhóm trực an ninh sẽ nhận được cuộc gọi tự động được gửi đến điện thoại của từng cá nhân có mặt ngay tại hiện trường để ngăn chặn kịp thời các vụ gây rối an ninh trật tự.

Tin cùng chuyên mục