
(SGGP-12G).- Ở lại thành phố, làm thêm kiếm tiền khi nghỉ hè là tình hình chung của các bạn sinh viên đến từ các tỉnh trong những năm gần đây. Thế nhưng, mong muốn kiếm tiền chính đáng của họ đang bị lợi dụng bởi những mánh lới làm ăn của các trung tâm giới thiệu việc làm...
Bùng nổ trung tâm giới thiệu việc làm
Nhu cầu làm thêm trong hè của sinh viên (SV) là rất lớn, do nhiều lý do: Kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, làm để lấy kinh nghiệm hay tận dụng thời gian rảnh... Có cầu ắt có cung, các trung tâm giới thiệu việc làm theo đó cũng mọc lên như nấm. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ các “mánh lới” làm ăn của các trung tâm.

Với tình trạng nở rộ trung tâm giới thiệu việc làm như hiện nay, các bạn sinh viên cần chú ý chọn các trung tâm có uy tín (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Một điểm chung mà các SV mắc phải là tìm việc làm theo những quảng cáo hấp dẫn kiểu nhử mồi như “Có việc làm ngay, miễn phí trung gian…”, đăng tải nhan nhản tại các trang quảng cáo trên báo hoặc các trang web chuyên về quảng cáo rao vặt và ngay cả các tờ rơi dán kín trên cột điện. Bạn Lê Hồng Minh, SV Trường ĐH Sư phạm TPHCM đến một trung tâm giới thiệu việc làm trên đường Điện Biên Phủ để tìm việc. Ở đây, cậu đã trở thành một miếng “mồi ngon”.
Minh kể, khi đến xin việc làm, cậu được giới thiệu làm việc bán sản phẩm điện tử cho một cửa hàng ở quận Phú Nhuận. Sau khi đóng cho trung tâm giới thiệu việc làm 60.000đ tiền “đặt cọc”, Mình được trung tâm bảo về nhà chờ 2 ngày sau họ sẽ gọi đi làm. Nhưng rồi hơn 1 tuần sau vẫn không thấy gọi, Minh lên trung tâm thì họ bảo chỗ làm đó đã hết tuyển dụng và đề nghị chuyển Minh qua công việc… phát tờ rơi!
Hiện nay, vẫn chưa có một quy định cụ thể nào để quản lý các trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm. Chính tình trạng tranh tối tranh sáng này khiến người đi xin việc nhiều nguy cơ trở thành “những chú cừu non” tội nghiệp. Có rất nhiều chiêu được các chủ trung tâm giới thiệu việc làm sử dụng để trục lợi trên những người có nhu cầu đi xin việc, nhất là các bạn sinh viên ít kinh nghiệm. Bắt đầu là những hứa hẹn “mùi mẫn”: Lương hậu hĩnh, việc nhẹ nhàng, hợp chuyên môn...
Kế đến là những thủ tục tưởng như vô cùng đơn giản: Làm hồ sơ và nộp lệ phí (thông thường là từ 25.000 – 30.000đ). Nhưng đó mới chỉ là bài “mở đầu”. Khi SV đến nơi cần tuyển dụng sẽ có một loạt những yêu cầu được đưa ra: Bản sao có công chứng giấy khai sinh, thẻ SV, giấy tạm trú tạm vắng, có nơi còn đòi cả... hộ khẩu.
Bản thân những SV đã phải đi đi về về nhiều lần để lo cho đủ cái mớ giấy tờ ấy. Đến khi lo đủ giấy tờ thì... chiêu tiếp theo được đưa ra là “công việc đó đã có người làm mất rồi, em làm giấy tờ chậm quá”. Quay trở lại trung tâm thì nhận được những hứa hẹn cho công việc khác, “cũng phù hợp và lương cũng không kém”. Thế là lại bắt đầu chuỗi ngày “ăn chực nằm chờ” để tìm việc làm khác.
Vấn nạn cần giải quyết
Trong thời gian này, tại một số trung tâm giới thiệu việc lượng SV đổ đến kiếm việc rất đông. Mỗi ngày có hàng ngàn SV tìm đến các trung tâm để mong có được một công việc trong dịp hè. Chỉ cần làm một phép nhẩm tính rất đơn giản, với cả ngàn SV đến xin việc kiểu như thế này, không khó để thấy các trung tâm có thể nhận được số tiền hàng chục triệu đồng mỗi ngày.
Vấn nạn “sập bẫy” xin việc làm mùa hè đã và đang thực sự khiến cho không ít SV mất tiền, rơi nước mắt. Trong khi đó, các trung tâm giới thiệu việc làm “ma” vẫn ngang nhiên hoạt động. Để tự bảo vệ mình và cũng để khuyến cáo các SV khác không rơi vào tình cảnh như mình, khi phát hiện các công ty giới thiệu việc làm nào có dấu hiệu lừa đảo, các SV cần nhanh chóng đến trình báo với công an phường sở tại để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo thống kê và dự báo của Trung tâm Việc làm TP, Trung tâm Việc làm Thanh Niên, Trung tâm Hỗ trợ SV TP thì hè này có gần 40.000 đầu việc làm thêm cho SV. Nhiều công việc rất phù hợp như nghiên cứu thị trường - sản phẩm, phỏng vấn viên, phụ bán hàng, phát tờ rơi, vệ sinh, phục vụ dịch vụ ăn uống… đang chờ SV. |
DUY CƯỜNG