Có 55 thủ tục hành chính cấp độ 4 (trong tổng số 107 thủ tục), thuộc 11 nhóm lĩnh vực như sản xuất, kinh doanh sẽ được áp dụng trong đợt này gồm: sản phẩm rượu; kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá; kinh doanh bán lẻ xăng dầu; xây dựng công trình điện nhóm B, C; văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài; khuyến mại, hội chợ triển lãm thương mại; hóa chất; hợp đồng mẫu; đấu nghiệp vụ giám định thương mại; hoạt động đa cấp; kinh doanh LPG chai, nạp LPG chai.
Với dịch vụ công trực tuyến, doanh nghiệp (DN) có thể vào website của Sở Công thương TPHCM đăng ký tài khoản, nhận mã, thực hiện các bước hướng dẫn nhằm giảm thời gian, chi phí nhưng vẫn có thể theo dõi tiến trình hồ sơ của mình. Đặc biệt, Sở Công thương còn phối hợp với ngành bưu chính, viễn thông, ngân hàng trên địa bàn TPHCM thực hiện các dịch vụ trả kết quả đến địa chỉ yêu cầu; đường dây nóng chăm sóc khách hàng, áp dụng sử dụng đa dạng thẻ thanh toán trực tuyến và ATM. Cổng thông tin điện tử của Sở Công thương cũng được nâng cấp, cung cấp nhiều thông tin kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh, giá cả các mặt hàng thiết yếu, tỷ giá, giá vàng, trả lời câu hỏi của DN...
Dịp này, Sở Công thương TPHCM đã thông báo kết quả triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch ngành công thương năm 2017, định hướng năm 2018. Xét về cơ cấu, ngành công thương có giá trị gia tăng tạo ra 355.646 tỷ đồng (giá thực tế), chiếm 33,53% GRDP của TP (năm 2016 chiếm 31,97%); trong đó công nghiệp chiếm 20,50%, thương nghiệp bán buôn, bán lẻ chiếm 13,04%.
Về tốc độ tăng trưởng, giá trị gia tăng ngành công thương ước tăng 7,75% so với năm 2016; trong đó công nghiệp tăng 7,52%, thương nghiệp bán buôn, bán lẻ tăng 8,13%. Hai lĩnh vực này đóng góp đến 2,49 điểm phần trăm trong tăng trưởng kinh tế 8,25% của TP (công nghiệp đóng góp 1,49%, thương mại đóng góp 1%).
Do cơ cấu lớn kết hợp với tốc độ tăng trưởng khá, nên ngành công thương có đóng góp nhiều nhất trong tăng trưởng kinh tế năm 2017, động lực chủ yếu cho tăng trưởng GRDP chính là khu vực sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 96% cơ cấu công nghiệp); trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu (chiếm tỷ trọng 60,3% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành) có mức tăng trưởng đột phá (chỉ số sản xuất tăng gấp 1,64 lần mức tăng trưởng toàn ngành) trong năm 2017.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương, điểm sáng tạo dấu ấn mạnh mẽ của ngành công thương trong năm 2017 đó là việc triển khai thành công giai đoạn 1 Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo nhằm thiết lập lại ngành chăn nuôi, giết mổ và kinh doanh, hướng đến chuỗi an toàn thực phẩm. Với đề án này, 100% sản lượng cung ứng thịt heo cho thị trường TPHCM đã được kiểm soát về nguồn gốc. Trong năm 2018, sở sẽ triển khai giai đoạn 2 của đề án từ khâu con giống cho đến khi xuất chuồng để khép kín quy trình, từ đó hoàn chỉnh kho dữ liệu, tiến tới hình thành sàn giao dịch đối với mặt hàng thịt heo, dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2019.