Số hóa thư viện

Chính phủ vừa phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây được cho là một bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số, nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại.

Việc số hóa tài liệu trong thư viện không phải là khái niệm mới mà được triển khai từ nhiều năm trước. Một số đơn vị được cho là đi tiên phong trong lĩnh vực này như: Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học tổng hợp TPHCM… Tuy nhiên, kết quả từ việc số hóa chưa thực sự rõ rệt. Nguyên nhân chậm một phần vì kinh phí và nhân lực dành cho việc này chưa được đầu tư thích đáng; phần quan trọng khác là do chưa có sự kết nối triển khai đồng bộ giữa các thư viện, khiến giá trị của việc số hóa không được phát huy đúng tầm.

Theo ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ VH-TT-DL, số hóa tài liệu là một quá trình tốn kém về mặt thời gian và tiền bạc, song nếu chỉ thực hiện manh mún, tự phát ở một vài thư viện, một vài địa phương như vừa qua thì hiệu quả không cao. Kho dữ liệu số chỉ thực sự mạnh khi tạo được sự liên thông giữa các thư viện giúp người đọc, người nghiên cứu tiếp cận thông tin nhanh chóng và phong phú nhất. Vì thế chương trình chuyển đổi số vừa được Chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo được sự chung tay của các địa phương, đơn vị, góp phần hình thành kho dữ liệu số khổng lồ dành cho bạn đọc.

Chương trình tập trung thúc đẩy các dự án số hóa tài liệu và tài nguyên, sản phẩm thông tin thư viện trên cơ sở tạo mới và tích hợp với cơ sở dữ liệu số sẵn có theo hướng mở, chú trọng tài nguyên giáo dục mở; hình thành cơ sở dữ liệu hệ thống định danh các thư viện, cơ quan thông tin và các dịch vụ cung ứng tại thư viện cũng như trên không gian mạng. Hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác để cung cấp dịch vụ định danh cho người sử dụng; xây dựng hệ thống cung cấp dịch vụ trực tuyến và phổ biến rộng rãi tới tất cả người dân. Đa dạng hóa các dịch vụ thư viện sử dụng tài nguyên số, sản phẩm thông tin số ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Mục tiêu đến năm 2025 của chương trình là hoàn thiện và phát triển hạ tầng số, dữ liệu số… tại 100% thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư cùng với Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học… mục tiêu số hóa được đặt ra trong giai đoạn đầu là 70%. Việc số hóa không chỉ có tác dụng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các tư liệu, tài liệu cổ, quý hiếm mà còn xóa đi khoảng cách về không gian, thời gian giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận với nguồn tri thức phong phú.

Với độc giả, người nghiên cứu, việc tìm kiếm tư liệu trong thư viện số cũng nhanh hơn và dễ dàng hơn. Ở đó, người dùng có thể đơn giản trong việc truy cập và tìm kiếm những thông tin cần thiết chỉ bằng một cú click chuột trong thời gian nhanh chóng.

Tin cùng chuyên mục