Chiều ngày 14-8, Ngân hàng BIDV chi nhánh tại Bình Định đã có cuộc họp với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và 5 ngư dân có vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP bị sự cố, để tính toán giá trị chênh lệch giữa thép Trung Quốc và một số thiết bị lắp đặt trên tàu so với số tiền mà ngư dân đã chi trả theo thanh lý hợp đồng đóng tàu.
Trong buổi đối thoại, 3 ngư dân là ông Nguyễn Văn Lý (huyện Phù Mỹ, Bình Định), ông Trần Minh Vương (Phù Cát), Võ Tuân (Phù Mỹ) đã đồng ý để doanh nghiệp khắc phục các sự cố.
Ngư dân Nguyễn Văn Lý chia sẻ: “Tôi quá mệt mỏi với việc nằm bờ lắm rồi, giờ có ép doanh nghiệp thì họ giam tàu mình trên cạn suốt như vậy thì chết chắc. Giờ bữa nào cũng cứ lên xuống để họp như thế này thì làm sao chịu được. Thôi cứ để cho họ khắc phục thép, nếu kế hoạch khắc phục của họ được UBND tỉnh và cơ quan đăng kiểm thống nhất”.
Tại cuộc họp, các bên đã thống nhất quan điểm để BIDV Chi nhánh Phú Tài thuê đơn vị độc lập tính toán các khoản chênh lệch giữa thép Trung Quốc và một số thiết bị lắp đặt trên tàu so với số tiền mà ngư dân đã chi trả theo thanh lý hợp đồng đóng tàu với Công ty TNHH Đại Nguyên Dương. Khoản tiền chênh lệch này, doanh nghiệp phải đền bù lại cho ngư dân.
Trong khi đó, 2 ngư dân còn lại là ông Nguyễn Văn Mạnh (Phù Mỹ) và ông Mai Văn Chương (Phù Cát) nhất quyết không đồng ý để doanh nghiệp chắp vá thép, buộc nhà máy đóng tàu phải bóc thép ra thay lại mới đạt chuẩn MAC A Hàn Quốc. Theo ông Mạnh, nếu để doanh nghiệp khắc phục thép, sau 2 năm nữa hết bảo hành, thép hư hỏng gỉ sét, lúc ấy chúng tôi biết kêu ai. Nếu không thay mới vỏ tàu thì trả tàu lại cho nhà máy.
Trước đó, trao đổi với Báo SGGP, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rõ: Nếu thép không đạt tiêu chuẩn thì doanh nghiệp phải bóc ra thay thế lại thép Hàn Quốc đạt chuẩn MAC A cho ngư dân chứ không chấp nhận kiểu chắp vá.