
Nếu Bắc Mỹ luôn là thị trường dẫn đầu về doanh thu cũng như sức ảnh hưởng toàn cầu, thì vài năm trở lại đây châu Á đang trỗi dậy và dần soán ngôi vương.
Theo báo cáo doanh thu toàn cầu giai đoạn từ năm 2004 đến 2013, thị trường châu Á đang có mức tăng trưởng ngoạn mục và vươn lên dẫn đầu. Nếu năm 2004, con số này chỉ dừng lại ở mức 8,5 tỷ USD thì đến năm 2013 đã đạt 11,1 tỷ USD, vượt lên hai thị trường mạnh nhất là Bắc Mỹ và châu Âu, Trung Đông, châu Phi (EMEA - Europe, Middle East and Africa) cùng đạt 10,9 tỷ USD. Trong những năm gần đây mức tăng trưởng tại thị trường này luôn cao hơn so với tất cả các khu vực, 2 năm liên tiếp vượt mức 10%/năm. Góp công lớn trong mức tăng trưởng ngoạn mục đó là 4 thị trường hàng đầu gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (thuộc khu vực Đông Á) và kinh đô điện ảnh Bollywood - Ấn Độ.

Tây du ký - Mối tình ngoại truyện đạt doanh thu 203 triệu USD năm 2013 và vươn lên vị trí số 1 tại thị trường châu Á.
Năm 2013, có 100 phim từ khu vực Đông Á vượt qua doanh thu 10 triệu USD tại các phòng vé nội địa. Hơn một nửa trong số đó đến từ thị trường Trung Quốc, bao gồm cả Đài Loan. Hàn Quốc - điểm đến của rất nhiều bom tấn Hollywood đình đám, nhưng thực tế phim nội địa thường chiếm khoảng 60% (năm 2013 là 58,8%). Với phương châm ủng hộ phim của các đạo diễn, nhà sản xuất trong nước, nên không mấy ngạc nhiên khi năm 2013 có đến 5 phim Hàn vượt qua con số 50 triệu USD phòng vé, trong khi năm 2012 chỉ có 1 phim. Bộ phim dẫn đầu doanh thu tại Hàn Quốc trong năm qua là Điều kỳ diệu trong phòng giam số 7 với 87,8 triệu USD.
Thị trường phim Nhật Bản cũng không chịu kém cạnh khi có 3 phim nằm trong tốp 25 phim có doanh thu cao nhất năm 2013 tại châu Á. Cũng như tại Hàn Quốc, phim Nhật Bản soán ngôi vương tại phòng vé, trong đó The Wind Rises (Kaze Tachinu), dẫn đầu với 118 triệu USD, vượt qua Monsters University (89 triệu USD). Điều đáng ngạc nhiên là tại Nhật Bản, những bộ phim đạt doanh thu cao nhất lại nằm ở thể loại hoạt hình chứ không phải bom tấn hành động, viễn tưởng.
Riêng với thị trường Trung Quốc, mức tăng trưởng không mấy ngạc nhiên và là điều hoàn toàn được báo trước. Với dân số lớn nhất thế giới, sự tăng trưởng hệ thống rạp chiếu đáng kinh ngạc nhưng trên hết nhân tố quan trọng nhất chính là khán giả Trung Quốc rất chuộng phim nội. Phòng vé Trung Quốc đã tăng đến 27% với 3,6 tỷ USD trong năm 2013, tức là hơn 1,2 tỷ USD so với Nhật Bản và 1,9 tỷ USD của Anh. Với nhịp độ đó, Trung Quốc dễ dàng vươn lên vị trí thứ 2 sau Bắc Mỹ và đứng đầu danh sách 20 thị trường doanh thu quốc tế. Con số 27% (tương đương 900 triệu USD) cũng vượt xa so với mức tăng 1% của thị trường Bắc Mỹ hay 4% thị trường toàn cầu trong năm qua. Nếu nhìn vào doanh thu chỉ 700 triệu USD vào thời điểm 2008 mới thấy sự tăng trưởng này là đáng kinh ngạc.
Cũng tại châu Á, khu vực Đông Nam Á đang được đánh giá là thị trường tiềm năng nhất với mức tăng trưởng rất cao. Dù có rất ít phim gia nhập câu lạc bộ 10 triệu USD, nhưng các quốc gia ở nhóm này như: Việt Nam, Philippines… liên tiếp xác lập các kỷ lục mới tại phòng vé nội địa. Năm 2013, Malaysia được xếp thứ 20 trong danh sách những thị trường phòng vé quốc tế có doanh thu cao nhất với 200 triệu USD. Thái Lan cũng có sức bật đáng kinh ngạc với kỷ lục từ bộ phim Tình người duyên ma đạt con số 33 triệu USD.
Một thị trường không thể không nhắc đến là kinh đô điện ảnh châu Á Bollywood. Năm 2013, thị trường này phát hành tổng cộng 120 phim quốc nội cùng với các phim ngoại nhập khác, góp phần nâng doanh thu lên con số 1,54 tỷ USD (tăng 10%) và xếp vị trí số 5 trong danh sách các thị trường quốc tế. Theo dự đoán đến năm 2018, thị trường này sẽ chạm mức 3,6 tỷ USD, trong đó phim nội vẫn chiếm đến 75% doanh thu.
Theo các chuyên gia phòng vé với mức tăng trưởng từ 29,4 tỷ USD năm 2005 đến 35,9 tỷ USD năm 2013 có thể nhận thấy xu hướng tăng này còn tiếp tục ít nhất đến năm 2017. Con số dự đoán được đưa ra là 44,4 tỷ USD toàn cầu, trong đó thị trường Bắc Mỹ cũng được kỳ vọng sẽ chạm mốc 12,3 tỷ USD trong năm này. Riêng với điện ảnh châu Á, mức tăng trưởng chưa được đưa ra chính xác nhưng việc bỏ xa Bắc Mỹ là điều chắc chắn.
VĂN TUẤN