Sức trẻ ở làng thanh niên lập nghiệp

Sau hơn 5 năm thành lập, làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua (xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi) đã có nhiều khởi sắc. Sức trẻ đã biến vùng đất hoang vu, cằn cỗi trở thành vùng đất trù phú, tràn đầy sức sống.
Đường sá, nhà cửa ở làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, đã hoàn thiện, khởi sắc giữa rừng núi
Đường sá, nhà cửa ở làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, đã hoàn thiện, khởi sắc giữa rừng núi

 Điểm sáng vùng núi

Làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, xây dựng từ năm 2016 với tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 36 tỷ đồng, vốn đối ứng tỉnh Quảng Ngãi 14 tỷ đồng). Làng có tổng diện tích 650ha, trong đó khu vực trung tâm dự án rộng 15ha. Việc xây dựng các hạng mục và nhà ở thanh niên sôi động nhất vào năm 2020 đến sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, 30 hộ thanh niên trong làng đã có nhà cửa tươm tất. Quanh làng, đường giao thông, điện trung thế, hạ thế, giếng khoan, bể nước, khu vui chơi trẻ em, nhà văn hóa, trạm phát sóng điện thoại, mạng Internet… đều hoàn thiện. Có được điều này, suốt hơn 5 năm qua, những đôi vai trần ngày đêm gánh từng viên gạch, vác từng bao xi măng… vượt qua bao dốc cao, đồi núi từ ngoài vào đây gầy dựng. 

Anh Đinh Văn Nghiệp (người Ca Dong) mang theo vợ và 2 con nhỏ vào đây dựng nghiệp. “Ban đầu rất khó khăn vì đất núi nhiều, khí hậu khắc nghiệt, nhưng vợ chồng tôi cố gắng kiên trì bám trụ với đất, với thanh niên nơi đây, mọi người giúp đỡ lẫn nhau cùng lập nghiệp”, anh nói. Từng bước, giờ anh đã có nhà ở, có 7ha keo rừng, 100 cây bưởi da xanh đang trồng, thu nhập bình quân hàng năm từ 30-40 triệu đồng. Anh cho biết: “Quá trình học hỏi kinh nghiệm, vợ chồng tôi nhận thấy nơi đây thích hợp nuôi bò, trồng cây bưởi da xanh nên sẽ vay vốn đầu tư thêm. Tôi còn đi làm thuê cho các rẫy để kiếm thêm thu nhập, tích cóp tiếp tục mở rộng vườn cây ăn trái và chăn nuôi. Từ ngày chuyển về làng, con cái cũng đi học gần nhà hơn, đứa lớn lớp 9, đứa nhỏ lớp 4”.
Anh Nguyễn Hùng Cường (người H’rê) đến làng đầu năm 2020 chỉ với đôi bàn tay trắng. Sau 1 năm, anh đã xây dựng dãy chuồng gà để nuôi 200 con, tự đầu tư nuôi 40 con dúi. Anh Cường phấn khởi nói: “Từ khi tách hộ với cha mẹ, tôi lên làng thanh niên lập nghiệp và được hỗ trợ đất đai, nhà cửa, vay vốn, cuộc sống khá hơn trước nhiều. Về đây có đất, có vốn làm ăn nên không còn rượu chè như khi ở làng cũ”. 

Có 30 hộ ở làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua, các hộ đăng ký đều được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò, 3 con heo, 50 con gà, 50 cây bưởi da xanh, 50 cây chuối và phân bón. Ngoài ra, mỗi hộ còn được hỗ trợ 20 triệu đồng để di dời nhà cửa, hỗ trợ làm nhà trong làng. Chị Đinh Thị Mép, Bí thư Đoàn xã Sơn Bua, chia sẻ: “Mỗi hộ thanh niên trong làng là điểm sáng, sức trẻ trong xây dựng làng phát triển. Thoát khỏi lối canh tác cũ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả kinh tế mang lại cao”.

Tiếp sức thanh niên “khởi nghiệp” từ làng

Bí thư Đoàn xã Sơn Bua Đinh Thị Mép là người địa phương, cho biết: “Có thể nói vùng núi Sơn Bua là nơi đầy nắng, đầy gió, đất đai khô cằn nên cây trồng, vật nuôi đều khó phát triển, nước sinh hoạt cũng khó khăn”. Để giúp thanh niên trong làng có thể khởi nghiệp từ làng, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã xây dựng các mô hình trình diễn tại làng, kết hợp Đội trí thức trẻ tình nguyện gồm các cán bộ trẻ từ Sở NN-PTNT, Sở KH-CN theo hình thức “cầm tay chỉ việc”, cùng sống ở làng, cùng trồng lúa nước, chăn nuôi với thanh niên trong làng. Các mô hình trình diễn chăn nuôi 15 con bò, 20 con heo, 500 con gà, trồng 1ha bưởi da xanh, 1ha cam và 1ha chuối đều do cán bộ đoàn, cán bộ các sở, ngành tham gia cùng thanh niên. 

Việc chăn nuôi, trồng trọt trên núi dù khó khăn hơn miền xuôi, nhưng Tỉnh đoàn, Đội trí thức trẻ tình nguyện và thanh niên trong làng đã nhanh chóng khắc phục, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, trong đó ưu tiên phát triển thêm các cây trồng như cau, mì, chuối, bưởi da xanh… đã mang lại hiệu quả từ mô hình trình diễn. Điển hình như anh Nguyễn Thanh Duy vừa xuất bán 120 con gà thu về 18 triệu đồng, đàn heo 6 con đã đạt trọng lượng trung bình 30kg/con.

Anh Lê Văn Vin, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, vui mừng tâm sự: “Những hộ nghèo, cận nghèo khi vào làng Thanh niên lập nghiệp Sơn Bua đến nay đã ổn định cuộc sống, thanh niên dần yên tâm phát triển kinh tế. Đã có nhiều gia đình có cuộc sống khá giả. Đây được xem là một trong những làng thanh niên lập nghiệp được triển khai thành công của cả nước”.

Tin cùng chuyên mục