Tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch toàn cầu

Du lịch đang rất khó khăn nhưng từ kinh nghiệm mở cửa an toàn của một số nước trên thế giới mà điểm sáng là Dubai thì du lịch Việt Nam cũng cần chớp thời cơ, để mở rộng, tạo ra các thị trường khách mới với những chính sách có tính đột phá, nhất quán.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Ngày 25-12, hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - Phục hồi và phát triển" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ VH-TT-DL, tỉnh Nghệ An tổ chức đã khai mạc. 

Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến thu hút sự tham gia của 300 đại biểu là các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, du lịch là một trong những ngành kinh tế được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong hai năm qua, du lịch Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng thấy khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Trong bối cảnh "bình thường mới", ngành du lịch đang tìm cách phục hồi theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt.

Tuy nhiên, vấn đề phục hồi của du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” cùng các diễn đàn trao đổi về phục hồi kinh tế, du lịch trong thời gian qua, hội thảo du lịch năm 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” nhằm làm rõ những chính sách, giải pháp hỗ trợ ngành du lịch - một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, có sức lan tỏa tới nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch toàn cầu ảnh 1 Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến thu hút sự tham gia của 300 đại biểu là các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước 
Những con số ảm đạm

Tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt đã đưa ra bức tranh tương đối đầy đủ của du lịch Việt trong 2 năm chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch Covid-19.  

Theo đó, Việt Nam trong suốt 4 đợt bùng phát của dịch Covid-19, các hoạt động du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kỳ bùng phát dịch và diễn ra hết sức cầm chừng.

Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kì năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Năm 2021, tình hình càng tồi tệ hơn, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Các quy định giãn cách phòng chống dịch, đóng cửa các điểm tham quan du lịch và dừng hầu hết các dịch vụ cung ứng du lịch làm chuỗi dịch vụ đứt gãy nghiêm trọng. Trong năm 2020, có 338/2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, 90% doanh nghiệp đóng cửa; sang năm 2021, lượng doanh nghiệp lữ hành xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành chiếm trên 35% tổng số đã được cấp phép, phần còn lại dừng hoạt động.

Lĩnh vực lưu trú chiếm 46% trong cơ cấu tổng thu của ngành du lịch Việt Nam cũng phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham quan, di tích, khu vui chơi giải trí... đều bị thiệt hại lớn khi không có khách du lịch, đến nay vẫn chưa mở cửa hoàn toàn.

Nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng. Từ năm 2020, các doanh nghiệp lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70 - 80%. Sang năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, lao động làm việc cầm chừng chiếm 10%.

"Một lộ trình tái khởi động và phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo từng bước đi vững chắc, tạo đà bứt phá trong tương lai khi đại dịch đi qua"

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Dưới góc độ của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Châu Á, Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Adventure cũng cho biết khó khăn không chỉ ở việc không đón được khách quốc tế mà hơn thế, nhiều đối tác ở các thị trường tiềm năng cũng đã “biến mất” do dịch Covid-19.

Cần những chính sách đột phát, nhất quán, có tầm nhìn xa

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings cho rằng, dù đã có những chính sách cởi mở nhằm tái khởi động lại hoạt động du lịch trong nước và quốc tế, tuy nhiên, sự không nhất quán ở mỗi địa phương trong việc đi lại, khai báo y tế... khiến doanh nghiệp du lịch lúng túng. Theo ông Kỳ, việc dựng lên các hàng rào kỹ thuật trong phòng chống dịch ở các địa phương, sự không nhất quán trong chính sách hay còn gọi là "quay xe" trong chính sách khiến doanh nghiệp bị thiệt hại khi triển khai các hoạt động xúc tiến, triển khai các sản phẩm mới. 
Tuy nhiên, ông Kỳ cũng cho rằng, rõ ràng du lịch đang rất khó khăn nhưng từ kinh nghiệm mở cửa an toàn của một số nước trên thế giới mà điểm sáng là Dubai thì du lịch Việt Nam cũng cần chớp thời cơ, để mở rộng, tạo ra các thị trường khách mới với những chính sách có tính đột phá, nhất quán.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Châu Á cũng đề xuất cần nhanh chóng tận dụng thời điểm mà các thị trường du lịch ở các nước lân cận đang giống nhau ở vạch xuất phát để bứt phá.
"Phát huy sức mạnh từ các nguồn lực của các doanh nghiệp, tập đoàn du lịch lớn, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, nhất định phải đến một lần trong đời là việc làm cần thiết lúc này", lãnh đạo Công ty Oxalis Adventure nêu đề xuất.
Tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao vị thế và sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch toàn cầu ảnh 2 Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt bày tỏ tin tưởng du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi trong bối cảnh mới, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế
Để du lịch Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từng bước phục hồi và tiếp tục phát triển, ngành Du lịch, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đề xuất các nhóm giải pháp cụ thể như: chỉ đạo tập trung thực hiện chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, tạo đà cho du lịch phục hồi và đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn hiện nay, giảm bớt sự tan rã hệ thống đã được củng cố từ nhiều năm nay; chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên, theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như: phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực...), cho phép thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững...; đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới.
Thúc đẩy xu hướng du lịch hạn chế tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và đưa ra các giải pháp công nghệ phục vụ du lịch an toàn; xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn "bình thường mới"; tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi của ngành thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp, triển khai rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tương lai chất lượng cao.

Tại phiên chuyên đề diễn ra trong buổi sáng, các đại biểu sẽ nghe báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia và các doanh nghiệp về chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19 để phát triển du lịch.

Vào buổi chiều, hội thảo tiếp tục diễn ra phiên toàn thể với sự tham dự và phát biểu của lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục