Phát biểu tại tọa đàm, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật nêu trên, đánh giá cao sự nỗ lực chuẩn bị từ phía cơ quan soạn thảo cũng như những nội dung trình sửa đổi, bổ sung.
Liên quan đến Luật Quy hoạch, một số ý kiến nhất trí với việc bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, tuy nhiên, các đại diện doanh nghiệp cũng đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng nội dung liên quan đến điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm tính khả thi của quy định pháp luật, giúp thủ tục được thực sự rút gọn về thời gian, tiến độ trong thực tế.
Với Luật Đầu tư, nhiều đại biểu bày tỏ thống nhất với việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án. Có ý kiến đề nghị xem xét, rà soát quy định liên quan đến ngừng hoạt động của dự án đầu tư, chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư tại Luật Đầu tư; bổ sung quy định liên quan đến trình tự rút gọn đối với dự án mua sắm tài sản cố định; làm rõ, quy định cụ thể hơn về nội dung đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch liên quan đến chủ trương đầu tư.
Đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, có ý kiến đề nghị cần xem xét, đánh giá kỹ lưỡng, rà soát lại các quy định liên quan đến việc áp dụng các loại hình đầu tư, loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán, việc áp dụng hợp đồng BOT thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình xây dựng…
Với Luật Đấu thầu, các ý kiến cơ bản tán thành việc cho phép đấu thầu trước, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu; cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.
Các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi quy định về chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, cùng một số quy định khác để tháo gỡ vướng mắc, tăng tính cạnh tranh trong đấu thầu.
Kết luận nội dung tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho biết, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã phát biểu, sớm hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo thẩm tra cùng các tài liệu liên quan đạt chất lượng để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.