TAND hai cấp ở TPHCM phải hoãn xét xử hơn 18.000 vụ do dịch Covid-19

Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong cho biết, từ giữa tháng 4-2021 đến tháng 6-2021, TAND hai cấp phải hoãn xét xử hơn 18.000 vụ việc đã có kế hoạch và quyết định đưa vụ án ra xét xử do đương sự bị cách ly, phong tỏa; đương sự không tham dự phiên tòa do sợ dịch bệnh...
Tại kỳ họp thứ 4 HĐND TPHCM khoá X diễn ra ngày 7-12, Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong báo cáo kết quả, tình hình thực hiện công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ hoạt động năm 2022 của TAND hai cấp.
TAND hai cấp ở TPHCM phải hoãn xét xử hơn 18.000 vụ do dịch Covid-19 ảnh 1 Chánh án TAND TPHCM Lê Thanh Phong báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo báo cáo về công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, từ tháng 10-2020 đến tháng 9-2021, TAND hai cấp TPHCM giải quyết 26.493/51.062 vụ việc thụ lý, đạt 51,88%. Trong đó, giải quyết 25.409/49.445 vụ việc sơ thẩm, đạt 51,3%; giải quyết 1.084/1.617 vụ việc phúc thẩm, đạt 67%. Tỷ lệ án hủy do lỗi chủ quan là 0,4% (112/26.493) và sửa do lỗi chủ quan là 0,7% (187/26.493). So với cùng kỳ năm 2020, thụ lý giảm 11.256 vụ việc, giải quyết giảm 22.679 vụ việc, tỷ lệ giải quyết giảm 27,5%.
Chánh án TAND TPHCM đánh giá, qua công tác xét xử án hình sự cho thấy, các nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu; các tội phạm về ma túy; xâm phạm trật tự công cộng; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người vẫn chiếm tỷ lệ cao. Mặc dù, án hình sự tại TPHCM phức tạp nhưng với sự nỗ lực của đội ngũ thẩm phán, thư ký TAND hai cấp thành phố nên kết quả xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào kết án oan người không phạm tội.
Về tỷ lệ giải quyết án hình sự giảm so với năm 2020 xuất phát từ nguyên nhân khách quan do sự ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo đó, từ tháng 3 đến 4-2021, nhiều phiên tòa hình sự bị hoãn do có đương sự, người bị hại, luật sư cư trú tại khu vực bị phong tỏa, cách ly. Đến đầu tháng 6-2021, trại giam không thực hiện việc trích xuất bị cáo, đồng thời phải thực hiện giãn cách toàn thành phố nên kế hoạch xét xử các vụ án hình sự đều bị tạm dừng.
Từ đầu năm 2021, TAND TPHCM triển khai thực hiện thí điểm Đề án đối thoại trực tuyến trong giải quyết án hành chính. Đây là một trong những giải pháp đột phá của TAND TPHCM nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng trong xét xử, giải quyết các vụ án hành chính, Đề án đã phát huy hiệu quả trong giai đoạn thực hiện giãn cách phòng chống dịch Covid-19.
Trong năm, số lượng vụ việc phải giải quyết của TAND hai cấp thành phố là khá lớn, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian thực tế công tác của Tòa án không nhiều, chỉ hơn 50% tổng thời gian làm việc của cả năm, do đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giải quyết các loại vụ việc.
Cụ thể, từ giữa tháng 4-2021 đến tháng 6-2021, TAND hai cấp phải hoãn xét xử hơn 18.000 vụ việc đã có kế hoạch và quyết định đưa vụ án ra xét xử do đương sự bị cách ly, phong tỏa; đương sự không tham dự phiên tòa do sợ ảnh hưởng của dịch bệnh…. Do dịch bắt đầu lên đỉnh điểm, từ tháng 6-2021 đến tháng 9-2021 TAND hai cấp phải hoãn tất cả các vụ án, vụ việc đã có kế hoạch xét xử.
Mặt khác, đây cũng là thời điểm mà mọi người phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội theo quy định của UBND TPHCM nên các hoạt động tố tụng của Tòa án như tống đạt thông báo thụ lý, triệu tập đương sự lấy lời khai, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ,... đều không thể thực hiện, làm giảm tỷ lệ giải quyết, xét xử của TAND hai cấp thành phố.

TAND TPHCM thụ lý 12 vụ/86 bị cáo các vụ án về tội phạm tham nhũng, chức vụ, kinh tế được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm; đã đưa ra xét xử 8 vụ/62 bị cáo.

Cụ thể một số vụ án tiêu biểu như: Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm bị xét xử về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; vụ án Trần Hoàng Nguyệt và đồng phạm bị xét xử về tội “Tham ô tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Bùi Minh Chính và đồng phạm bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”,...

Qua quá trình xét xử, tổng số tiền tòa án đã thu hồi (bao gồm nộp tại tòa và tạm tính giá trị tài sản kê biên phong tỏa) là 4.157 tỷ đồng. Kết quả giải quyết các vụ án nêu trên đều đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, phù hợp chính sách của Đảng và Nhà nước, được dư luận đồng tình ủng hộ.

Tin cùng chuyên mục