BĐKH gây nhiều thiệt hại
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của BĐKH. Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình cả nước tăng khoảng 0,62oC; mực nước biển trong giai đoạn 1993-2014 đã tăng 3,34mm/năm; thiên tai gia tăng cả về cường độ lẫn tần suất. Theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, khi mực nước biển dâng khoảng 1m vào năm 2100, sẽ có khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập nước; TPHCM bị ngập khoảng 20% diện tích. Bên cạnh đó, sẽ có khoảng 10%-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp.
Tại TPHCM, nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, thành phố đã, đang và sẽ chịu nhiều tác động từ BĐKH trên nhiều lĩnh vực như hạ tầng giao thông, các trạm cấp nước, các khu công nghiệp, hoạt động sản xuất nông nhiệp, khu xử lý rác…
Với lĩnh vực xử lý chất thải rắn, dựa theo kịch bản phát thải cao, ADB đã đưa ra dự báo 90% diện tích bãi chôn lấp chất thải tại Đa Phước có nguy cơ bị ngập. Hậu quả môi trường kéo theo sẽ là phát tán các chất ô nhiễm từ bãi chôn lấp ra môi trường xung quanh. Cũng do BĐKH, mưa bão ngập lụt tăng cao có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống quản lý chất thải rắn (bao gồm cả thu gom, vận chuyển, xử lý), giảm hiệu suất và tuổi thọ của công trình, thiết bị và phương tiện hoạt động. Do vậy cần có giải pháp lồng ghép thích ứng BĐKH vào quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố.
BĐKH là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo của đất nước, với mức tổn thất và thiệt thòi ngày một gia tăng, đòi hỏi cần có các hành động gấp rút để kịp thời giảm nhẹ thiệt hại và tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH.
Chủ động thích ứng
Lãnh đạo Sở TN-MT TPHCM cho biết, trong thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch, chủ trương, chính sách để ứng phó với BĐKH ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Thành phố đang tích cực đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, thông qua việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, TPHCM đang trong quá trình xây dựng đô thị thông minh, trong đó việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của người dân được triển khai nhiều nơi, góp phần bảo vệ môi trường; tiếp tục phối hợp với nhiều tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến vấn đề ứng phó BĐKH, như Tổ chức C40, các nhóm chuyên gia của JICA.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH được chuẩn bị và xây dựng công phu trên cơ sở tài liệu hướng dẫn của Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH. Kế hoạch đặt ra mục tiêu chung nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH, như tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch...
Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu các cơ quan ban ngành hữu quan cần tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về thích ứng với BĐKH; chuẩn bị cơ sở pháp lý và điều kiện kỹ thuật nhằm thúc đẩy lồng ghép nội dung BĐKH vào các chính sách, hệ thống chiến lược, quy hoạch; triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ ưu tiên nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và những diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết. Đồng thời tăng cường phối hợp, lồng ghép các hoạt động trong triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, cộng đồng và hệ sinh thái, để tăng khả năng chống chịu trước BĐKH và sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu.
Nâng cao năng lực chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng, khả năng thích ứng của hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học. Thúc đẩy các hành động thích ứng, mang lại đồng lợi ích trong giảm nhẹ các rủi ro do BĐKH và hiệu quả về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường; tận dụng các cơ hội từ BĐKH để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với BĐKH và bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất.