Tăng cường kiểm kê khí thải các phương tiện giao thông

TPHCM hiện có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ô tô, còn lại là xe của người tỉnh thành khác mang vào). Mỗi ngày lượng phương tiện này thải hàng tấn khí thải các loại CO, NOx, CO2... Những loại khí thải này đã và đang là “thủ phạm” gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân.

Theo các chuyên gia, kiểm kê khí thải phương tiện giao thông, nhất là xe máy, chính là giải pháp quan trọng để định hướng các giải pháp kéo giảm ô nhiễm không khí hiện nay. 

Biện pháp cấp bách

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn TPHCM vẫn tồn tại rất nhiều xe máy cũ lưu thông. Từ ngoại thành vào trung tâm thành phố, các tuyến đường vẫn đủ loại xe cũ, không bảo đảm an toàn. Đây là những chiếc “xe mù” bởi không ít phương tiện chỉ trơ khung sắt, không đèn, không gương, thậm chí... không thắng.

Theo kế hoạch giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020, TPHCM đặt mục tiêu giảm 70% ô nhiễm không khí do GTVT. Do vậy, việc kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy là rất cần thiết. Ngoài ra, TPHCM có nguồn phát thải khí nhà kính lớn, tương đương 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia. Trong đó, phát thải khí từ hoạt động GTVT chiếm đến 45%, vì vậy việc kiểm soát nguồn phát thải khí này là một vấn đề cấp bách. 

Tăng cường kiểm kê khí thải các phương tiện giao thông ảnh 1 TPHCM đẩy mạnh công tác kiểm kê khí thải xe máy
Theo PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TPHCM, kết quả nghiên cứu kiểm kê khí thải phát thải tại TPHCM cho thấy hoạt động giao thông là tác nhân gây ô nhiễm không khí lớn nhất. Trong nguồn khí thải từ giao thông, xe máy được coi là thủ phạm chính. Xe máy đang chiếm khoảng 29% nguồn phát thải NO, 90% CO và chiếm tới 37,7% nguồn phát thải bụi. Riêng nguồn phát thải bụi siêu mịn, xe máy cũng chiếm khoảng 31%.

Do vậy, đẩy mạnh công tác kiểm kê khí thải là cần thiết hiện nay. Khi thực hiện kiểm kê phát thải khí thải, chúng ta sẽ biết được nguồn ô nhiễm không khí từ đâu ra, ô nhiễm chất gì, ô nhiễm do cái gì. Trên cơ sở đó mới thiết kế kế hoạch kiểm soát chất lượng không khí hiệu quả, thiết lập các quy định và giấy phép phát thải, xả thải khí thải, xây dựng các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Đồng thời, kiểm kê phát thải khí thải phục vụ các nghiên cứu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên sức khỏe người dân; phục vụ các tính toán chi tiết về tác động ô nhiễm không khí lên nền kinh tế của thành phố; phục vụ hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. 

Nỗ lực vì thành phố xanh

Theo Sở GTVT TPHCM, với tốc độ tăng mô tô trên địa bàn 10%-15%/năm, lượng mô tô tăng kéo theo lượng khí phát thải chắc chắn sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới. Để thực hiện kiểm kê khí thải các loại phương tiện giao thông, Sở GTVT sẽ xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn địa phương về khí thải mô tô, xe máy.

Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách và lộ trình thực hiện các giải pháp kiểm soát khí thải do mô tô, xe máy trên địa bàn TPHCM như: thu hồi xe cũ gây ô nhiễm, phân vùng hạn chế giao thông; thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải cho mô tô, xe máy tham gia giao thông; xây dựng, ban hành các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ việc xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng nhu cầu kiểm soát khí thải mô tô, xe máy trên địa bàn TPHCM.

Sở GTVT cũng đã triển khai các biện pháp tổ chức giao thông khoa học, hợp lý nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông, góp phần giảm ô nhiễm môi trường như điều chỉnh phân luồng giao thông nhằm kéo giảm ùn ứ giao thông tại một số khu vực thường bị ùn tắc. Tiếp tục thực hiện công tác tổ chức giao thông phục vụ thi công một số dự án trọng điểm như xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1; xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương; nâng cấp mở rộng cầu Kênh Tẻ; xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. 

Trao đổi về nội dung này, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho biết, việc nghiên cứu thí điểm kiểm tra khí thải nhằm hướng đến kiểm soát khí thải mô tô, xe máy trên địa bàn thành phố, góp phần cải thiện chất lượng môi trường không khí.

Sở GTVT đã phối hợp Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy, Công ty Honda và Viện Khoa học Công nghệ giao thông khảo sát, kiểm tra khí thải đối với xe máy tại các trung tâm bảo dưỡng. Ông cũng kỳ vọng chương trình sẽ thành công nếu có sự đồng thuận của tất cả người dân trên địa bàn thành phố.

Tin cùng chuyên mục