Tăng cường oxy cho các bệnh viện ở TPHCM

Bộ Công thương cho biết nhu cầu oxy cho các cơ sở y tế tại TPHCM và miền Tây Nam bộ khoảng 400 tấn/ngày nhưng vẫn đang có nguy cơ thiếu. Vì vậy, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất oxy ưu tiên chi viện cho miền Nam với tổng lượng mong muốn khoảng 500 tấn/ngày. 

Chiều 28-12, Bộ Công thương thông tin, hiện nay, các cơ sở y tế phía Nam, nhất là vùng Tây Nam bộ và TPHCM đang gặp khó khăn về nguồn cung oxy so với giai đoạn trước đây. 

Các nhà máy sản xuất oxy chia sẻ nguồn oxy cho các cơ sở y tế để điều trị bệnh nhân Covid-19

Theo thống kê sơ bộ, bình quân mỗi ngày tổng nhu cầu oxy cho các bệnh viện ở các tỉnh phía Nam khoảng trên 400 tấn (trong đó, nhu cầu tại TPHCM là khoảng trên 100 tấn, các tỉnh khác khoảng 50 tấn/tỉnh).

Trong điều kiện bình thường, oxy chủ yếu được sử dụng cho mục đích công nghiệp. Thời điểm trước tháng 11-2021, khi sản xuất công nghiệp tạm thời chững lại, nhu cầu oxy cho công nghiệp giảm, các cơ sở sản xuất, cung ứng có thể đảm bảo lượng oxy cấp cho y tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đang vận hành trở lại mà dịch bệnh vẫn lan rộng, nhu cầu oxy cho điều trị tăng nhanh, đã gây áp lực lớn cho các đơn vị sản xuất, cung ứng oxy.

Vì vậy, Bộ Công thương đã làm việc với các công ty sản xuất, vận chuyển như Sovigaz, Messer, Thanhgas để điều phối việc cung cấp oxy lỏng cho các cơ sở y tế đang thiếu hụt ở phía Nam. Trong đó, Công ty TNHH MTV Hơi kỹ nghệ Que hàn (Sovigaz), thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã cam kết dừng toàn bộ hoạt động cung cấp oxy lỏng cho các lĩnh vực sản xuất công nghiệp để cung cấp cho y tế tại các tỉnh miền Tây Nam bộ và TPHCM với sản lượng 115 tấn/ngày. 

Trong ngày 28-12, có khoảng 50 tấn được vận chuyển từ miền Bắc vào chi viện cho TPHCM để phân phối cho các bệnh viện. Bộ Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp khác tiếp tục đồng hành chia sẻ, ưu tiên cung ứng tối đa oxy cho mục đích y tế để đảm bảo hướng tới mục tiêu cung ứng 500 tấn/ngày.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), việc chi viện oxy cho các tỉnh ở phía Nam chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Bộ Công thương cùng Bộ Y tế và các địa phương sẽ hỗ trợ các đơn vị sản xuất sớm đưa các dự án đang xây dựng vào hoạt động, giúp các cơ sở y tế phía Nam giảm áp lực thiếu nguồn cung oxy y tế như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục