Tạo điều kiện cho lao động nữ thăng tiến

Tại nhiều doanh nghiệp, ngoài các chính sách chăm lo chung cho người lao động, đơn vị còn dành nhiều chính sách đãi ngộ, chăm lo cho lao động nữ. Nhờ đó đã giúp nữ lao động an tâm gắn bó, hết lòng với công việc và đưa ra nhiều sáng kiến làm lợi cho đơn vị.
Lao động nữ tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (TPHCM)
Lao động nữ tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (TPHCM)

Chăm lo để cảm ơn

Mấy hôm nay, chị Trần Thị Thúy, nhân viên Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM) có việc phải ở lại công ty để giải quyết nên thường về trễ. Để giúp chị Thúy an tâm đi qua đoạn đường gần 2km từ công ty ra cổng KCN vắng vẻ, mỗi lần thấy chị dắt xe ra về sau 20 giờ, bảo vệ công ty cũng dắt xe ra chạy theo sau chị cho đến khi chị ra con đường lớn ngoài KCN. Không chỉ chị Thúy, nhiều nữ lao động tại công ty cũng an tâm ra về sau giờ tan ca tối, bởi luôn có bảo vệ công ty hộ tống qua những đoạn đường vắng vẻ trong KCN. Ông Trương Hoàng Tâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP In số 7, chia sẻ, đây là một trong những cách đơn vị chăm lo nguồn vốn quý lao động nữ của công ty.

Ngoài áp dụng các chính sách theo quy định, Công ty CP In số 7 còn dành nhiều sự quan tâm cho lao động nữ. Nữ lao động nghỉ 6 tháng thai sản, ngoài lương, bảo hiểm vẫn được nhận tiền lễ, các chế độ phúc lợi khác và được trợ cấp thêm 700.000 đồng/tháng. Nữ lao động nuôi con nhỏ từ 7 tháng tuổi đến hết 3 tuổi được hỗ trợ thêm 400.000 đồng/tháng. Nữ lao động mang thai sẽ được sắp xếp công việc nhẹ nhàng và luôn được bác sĩ tại phòng khám của công ty chăm sóc sức khỏe chu đáo.

Tại Công ty Liên doanh Đại Dương (quận 1, TPHCM), ban giám đốc công ty bố trí phòng nhiều giường để nữ lao động có nơi nghỉ ngơi trong khoảng thời gian 4 tiếng chờ làm ca tối. Theo bà Đỗ Thị Bích Hường, Chủ tịch Công đoàn công ty, chứng kiến cảnh lao động nữ sau giờ làm ca sáng, người tất tả chạy về phòng trọ, người phải ngồi ngoài quán chờ 4 tiếng tới giờ làm ca tối, ban giám đốc công ty quyết định dành một phòng đầy đủ tiện nghi cho nữ lao động nghỉ ngơi. Điều này giúp nữ lao động lấy lại sức khỏe, tinh thần làm việc cao hơn. Ngoài ra, công ty cũng có phòng y tế để chăm sóc sức khỏe cho nữ lao động mang thai.

Ở Công ty CP Dệt may Liên Phương (TP Thủ Đức) với gần 1.000 lao động và hơn 65% là lao động nữ, do đó, công ty không chỉ quan tâm xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn mà còn chăm chút bữa ăn giữa ca đủ dinh dưỡng cũng như có chính sách hỗ trợ cho nữ công nhân nuôi con dưới 6 tuổi. Trong khi đó, Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân) và Công ty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi) còn xây trường mầm non dành cho con nữ công nhân. Người lao động chỉ đóng một phần chi phí tiền ăn cho trẻ, còn lại được công ty hỗ trợ. Đây là cách công ty cảm ơn lao động nữ đã hết lòng cống hiến cho công việc.

Nữ công nhân tại Công ty cổ phần In số 7 trong giờ làm việc

Nữ công nhân tại Công ty cổ phần In số 7 trong giờ làm việc

Trân trọng nguồn lao động nữ

Nghị định 85/2015 của Chính phủ quy định cụ thể về quyền lợi của lao động nữ. Đó là người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh tại nơi làm việc; khuyến khích áp dụng chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, phù hợp nguyện vọng lao động nữ; lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút/ngày để cho con bú, vắt trữ sữa, nghỉ ngơi; được người sử dụng lao động hỗ trợ trong việc xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc được hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo…

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xây dựng các chính sách, chế độ cho lao động nữ còn cao hơn quy định trên. Nhiều năm nay, tại Công ty TNHH Toàn Thắng (100% vốn nước ngoài tại KCN Bình Chiểu, TP Thủ Đức), gần 90% là lao động nữ nên công ty đặc biệt chăm chút cho lực lượng lao động chính này. Theo ông Đinh Văn Giai, Chủ tịch Công đoàn Công ty Toàn Thắng, công ty luôn quan tâm, tạo điều kiện để lao động nữ học tập nâng cao trình độ. Nhờ đó, nhiều nữ công nhân khẳng định năng lực và được bố trí vào các vị trí quan trọng.

Câu chuyện chăm lo chu đáo cho nữ lao động cũng được người lao động Công ty Toàn Thắng truyền tai nhau, như việc công ty xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ, đạt chuẩn để nữ lao động được chăm lo sức khỏe tốt nhất. Những nữ công nhân mang thai còn được ưu tiên làm việc nhẹ, nơi làm việc thoáng mát, sạch sẽ, không trơn trượt. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ tiền phụ cấp nuôi con nhỏ, chi phí gửi nhà trẻ, chi phí đi lại cho nữ công nhân.

Hay tại Công ty CP May Sài Gòn (quận Gò Vấp), việc xây dựng các chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý, quan tâm chăm lo tinh thần, cải thiện đời sống vật chất đã góp phần chăm lo tốt hơn đời sống nữ công nhân lao động. Với 90% trong số 4.500 lao động là nữ, nhiều năm qua, công ty đặc biệt quan tâm chăm lo cho đối tượng này. Điều đó giúp nữ công nhân mang thai an tâm khi công ty ưu tiên bãi giữ xe riêng rộng rãi, thuận tiện. Nhà ăn của công ty cũng dành khu vực ăn riêng cho các bà bầu; ưu tiên thời gian làm việc linh động cho chị em mang thai. Nữ lao động đơn thân nuôi con nhỏ hay chăm sóc mẹ già còn được trợ cấp 500.000-1 triệu đồng/tháng. Công ty cũng hỗ trợ tiền giữ trẻ hàng tháng và tiêm ngừa phòng bệnh cho con nữ công nhân. Nhiều vị trí quản lý quan trọng trong công ty đều ưu tiên bổ nhiệm lao động nữ. Chính điều này giúp lao động nữ an tâm làm việc, cống hiến cho đơn vị.

Với nhiều doanh nghiệp, những chính sách chăm lo cho lao động nữ còn ở đãi ngộ để có cơ hội phát huy sáng kiến, cải tiến, thăng tiến trong công việc. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Huyền, năm 2014, khi đang là phó phân xưởng chế biến Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (nay là Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre), chị được nhận giải thưởng Tôn Đức Thắng nhờ các sáng kiến làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị. Chị Huyền chia sẻ, từ sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo công ty dành cho lao động nữ, chị được học tập nâng cao tay nghề, để từ một nhân viên, chị được cất nhắc lên phó rồi trưởng phân xưởng. Sự quan tâm ấy, giúp chị Huyền thêm động lực làm việc, tham gia phong trào và đưa ra nhiều sáng kiến, cải tiến mang lại lợi ích cho đơn vị.

Tin cùng chuyên mục