Tập thể dục hàng ngày: Nét đẹp văn hóa đô thị

“Cầu Cổ Chiên, Bến Tre 105km. Sáng dậy trễ, pha vội 2 gói cà phê hòa tan, đạp riết tới cầu. Đói bụng quá”, “Chủ nhật 70 x 2. Sài Gòn - Mỹ Tho - Sài Gòn”… Nhật ký trên tài khoản zalo của BS Danh (Viện Tim TPHCM) là những dòng ghi vội của hành trình những vòng xe đạp vào ngày nghỉ hàng tuần.
Đại diện Hội xe đạp Cung đường xanh tặng học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang
Đại diện Hội xe đạp Cung đường xanh tặng học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang

“Đạp xe cho tim khỏe, tâm vui” - thông điệp cuộc sống mà BS Danh đưa lên tài khoản của mình mang một nét đẹp văn hóa phố thị thời hiện đại.

Là bác sĩ phẫu thuật, trung bình mỗi ngày BS Danh thực hiện từ 2-3 ca mổ tim. Buông tay dao ra là BS Danh tìm đến góc căn phòng nhỏ, cầm cây đàn guitar lên đàn và hát vài bài, như một cách để “giảm bớt căng thẳng, và làm tăng niềm vui sau mỗi thành công của ca mổ khó”.

2 ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, BS Danh lại cưỡi chiếc xe đạp rong ruổi trên các hành trình, tuần thì từ TPHCM đi TP Cần Thơ, TP Mỹ Tho, tuần thì Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Xuyên Mộc… và ngược lại. “Tinh thần và thể lực là giá trị lớn lao mà tôi có được từ các hoạt động làm cho tim khỏe, tâm vui”, BS Danh chia sẻ.

Với anh Nguyễn Trung Sơn (ngụ phường 7, quận Tân Bình, TPHCM), lại chọn cách tham gia vào Hội Xe đạp Cung đường xanh quận Tân Bình. Hội có 28 thành viên, gồm những cán bộ, công chức, hưu trí, doanh nhân, chia thành 2 nhóm đạp xe hàng ngày. Nhóm 1 là những thành viên còn đang đi làm, đạp mỗi buổi sáng từ 5 giờ trên cung đường Phạm Văn Đồng, đến 6 giờ 30 thì về lo đưa con đi học, chuẩn bị đi làm. Còn nhóm 2 gồm những thành viên đã nghỉ hưu, đạp xe vào khung giờ trễ hơn trên cung đường Hoàng Sa - Trường Sa, đến 8 giờ thì quay về.

Buổi chiều, 2 nhóm gặp nhau tại nơi xuất phát, rồi cùng đạp một vòng theo lộ trình buổi sáng, đến khoảng hơn 18 giờ thì kết thúc. Cứ 2 tháng một lần, vào các ngày cuối tuần, hội lại tổ chức đi cung đường ở các tỉnh, xa thì đến huyện Khánh Lê (tỉnh Khánh Hòa), các tỉnh ĐBSCL, gần thì đi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bến Tre... Mỗi chuyến đi xa, hội đều kết hợp các hoạt động từ thiện, tặng quà hộ nghèo, gia đình chính sách, tặng nhà tình thương, học bổng, tập sách cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi.

“Trung tuần tháng 8, hội sẽ đạp xe về tỉnh Bạc Liêu. Chuyến này anh em góp được 100 phần quà tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo. Chuyến sau nữa sẽ đi Bình Dương tặng tập sách và xe đạp cho học sinh nghèo”, anh Sơn chia sẻ.

Ở quận 7 có Hội chạy bộ Sức sống xanh, với hơn 30 thành viên đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Hàng ngày, từ 5 giờ, hội viên chạy trên các cung đường quanh khu Phú Mỹ Hưng, Tân Hưng - Tân Phong - Nguyễn Hữu Thọ… Ngày nghỉ cuối tuần, hội chuyển qua đạp xe trên cung đường Cần Giờ - Nhà Bè.

Chị Nguyễn Thị Kiều Giang, một thành viên hội Sức sống xanh, chia sẻ: “Không chỉ chạy bộ, đạp xe hàng ngày, hội còn có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác như hội thi karaoke, vẽ tranh phong cảnh, khám phá hang động và tham gia các giải việt dã, giải marathon phong trào”…

Thời công nghệ số, nhiều sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống của con người bị đảo lộn. Công nghệ số đem đến cho con người nhiều lợi ích, nhưng tính năng động, mạnh mẽ, tư duy mới, sáng tạo đột phá trong cuộc sống bị giảm sút nhiều. Cùng với đó là tính thụ động, lười vận động, chậm tính toán, suy nghĩ trước những áp lực công việc và cuộc sống.

Chọn cách tập thể dục, vận động hàng ngày như BS Danh, các thành viên hội đạp xe Cung đường xanh, hội chạy bộ Sức sống xanh và nhiều hội nhóm đang thực hiện là một nét văn hóa giúp tăng cường sức khỏe, tinh thần và giải tỏa những áp lực, lo toan ở một đô thị phát triển như TPHCM.

Tin cùng chuyên mục