Tàu vỏ thép vừa chạy thử đã hỏng: Ngư dân kiện, doanh nghiệp cũng kiện

Tàu vừa hạ thủy, ngư dân tiến hành chạy thử đường dài để chuẩn bị bàn giao thì bất ngờ bị hỏng máy. Doanh nghiệp đóng tàu, doanh nghiệp cung ứng máy thủy và ngư dân không tìm được tiếng nói chung.
Con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 trị giá gần 16,5 tỷ đồng vừa chạy thử đã hỏng máy nằm phơi mưa, phơi nắng tại Nhà máy đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng). Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Con tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 trị giá gần 16,5 tỷ đồng vừa chạy thử đã hỏng máy nằm phơi mưa, phơi nắng tại Nhà máy đóng tàu Bảo Duy (Đà Nẵng). Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Ngư dân bức xúc đâm đơn kiện doanh nghiệp đóng tàu và doanh nghiệp cung ứng máy ra tòa. Doanh nghiệp đóng tàu thì kêu cứu. Con tàu mười mấy tỷ đồng phải nằm phơi nắng phơi mưa cả năm nay...

Vừa chạy thử đã hỏng máy

Ông Trần Văn Liên (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) là một ngư dân với mấy mươi năm bám biển. Đầu năm 2015, ông Liên làm hồ sơ đăng ký đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67 để vươn khơi bám biển, đơn vị tín dụng là chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV chi nhánh Quảng Nam) với trị giá gần 16,5 tỷ đồng.

Để đóng tàu vỏ thép, ông Trần Văn Liên ký hợp đồng với Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy để đóng vỏ tàu với số tiền hơn 10,7 tỷ đồng; ký hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Liên Á (phòng 606, Tháp A1, tòa nhà Indochina Plaza, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cung cấp hệ thống đẩy thủy đồng bộ gồm động cơ diesel dùng cho hàng hải (gọi tắt là máy thủy) nhãn hiệu Mitsubishi, xuất xứ từ Nhật, mới 100% và hộp giảm tốc đảo chiều và một số phụ tùng kèm theo với tổng giá trị hợp đồng là 2,8 tỷ đồng.

Cuối tháng 3-2016, khi cho tàu chạy thử đường dài, đến khu vực cầu Mân Quang, Đà Nẵng thì tàu chết máy. Công ty Liên Á kiểm tra máy thì phát hiện lốc máy bị bể.

Trong quá trình xử lý sự cố máy, bên Công ty Liên Á đề nghị mua phụ tùng để sửa chữa, Công ty Đóng tàu Bảo Duy hỗ trợ 600 triệu đồng để mua phụ tùng nhưng vẫn không sửa chữa được.

Sau khi xảy ra sự cố, Công ty Bảo Duy, Công ty Liên Á, đơn vị giám định là Vinacontrol và ông Liên có nhiều cuộc làm việc nhưng không tìm được tiếng nói chung. Cuối cùng, ông Liên quyết định kiện Công ty Liên Á ra tòa. Tuy nhiên, ông Liên không có tiền đóng án phí và thuê luật sư, Công ty Bảo Duy đã hỗ trợ ông Liên toàn bộ số tiền 43 triệu đồng.

Doanh nghiệp đóng tàu cũng kêu cứu

Về hợp đồng đóng vỏ tàu mà ông Trần Văn Liên ký kết với tổng số tiền hơn 10,7 tỷ đồng, đến nay, Công ty Bảo Duy đã nhận được 3 tỷ đồng, số tiền còn lại hơn 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, do sự cố nên tàu phải nằm phơi nắng phơi mưa tại Nhà máy đóng tàu Bảo Duy hơn 1 năm qua.

Đại diện Công ty Bảo Duy cho biết, công ty và ông Liên chỉ ký hợp đồng thân vỏ tàu, trong khi sự cố xảy ra là sự cố máy. Dù đã nằm bờ hơn 1 năm qua nhưng thân vỏ tàu hoàn toàn không bị gỉ sét, đảm bảo chất lượng. Vì vậy, trong sự cố này, công ty cung ứng máy thủy cho ông Trần Văn Liên phải chịu trách nhiệm.

Gần đây, ông Liên kiện luôn Công ty Đóng tàu Bảo Duy ra tòa. Về vấn đề này, trao đổi với PV SGGP, ông Liên xác nhận Công ty Đóng tàu Bảo Duy có hỗ trợ 600 triệu đồng tiền mua phụ tùng và 43 triệu đồng tiền hỗ trợ án phí và thuê luật sư. Nói về nguyên nhân ông Liên kiện Công ty Bảo Duy ra tòa, ông Liên cho rằng Công ty Bảo Duy cũng liên đới trách nhiệm.

Trong khi đó, đại diện Công ty Bảo Duy cũng rơi vào cảnh khốn khó khi hơn 7,7 tỷ đồng còn lại trong hợp đồng chưa thể thu hồi do tàu chưa được bàn giao. Cũng theo Công ty Bảo Duy, đơn vị có 7 hợp đồng đóng tàu theo Nghị định 67 nhưng sự cố chỉ xảy ra với tàu ông Liên, trong khi các tàu khác đều hoạt động rất tốt. Vì vậy, công ty cũng mong muốn tòa xử công minh để công ty sớm hoàn thiện con tàu để bàn giao cho ông Liên.

Tin cùng chuyên mục