Tây Nguyên vào mùa mưa: Nguy cơ sạt lở đường, vùi lấp nhà dân

Khu vực Tây Nguyên có đặc điểm địa hình đồi dốc, mỗi khi bước vào mùa mưa bão nguy cơ sạt lở lại tăng cao, nhất là tại các khu dân cư, công trình xây dựng dở dang, đe dọa cả tính mạng lẫn tài sản.

Nguy cơ đứt đường

Những ngày này, khu vực Gia Lai, Kon Tum mưa nặng hạt, nhiều nơi nước chảy mạnh như trút nước. Nước ở các con sông cũng dâng lên nhanh chóng và chảy cuồn cuộn cuốn phăng mọi vật cản. Dọc con sông lớn của Gia Lai như sông Ba và các con sông ở Kon Tum như sông Đắk Snghé (qua huyện Kon Rẫy), sông Pô Cô (qua huyện Đắk Glei và huyện Ngọc Hồi), sông Đắk Bla (qua TP Kon Tum), nhiều điểm bờ sông bị sạt lở nặng nề; đất sản xuất bị tuột xuống sông.

Nhiều bờ taluy tại Đà Lạt xây dựng từ lâu, không đảm bảo an toàn

Nhiều bờ taluy tại Đà Lạt xây dựng từ lâu, không đảm bảo an toàn

Ngay tại TP Kon Tum, tình trạng sạt lở do mưa cũng xảy ra như đường Hai Bà Trưng (phường Quang Trung) bị sạt taluy âm, hở hàm ếch, nguy cơ đứt đường. Tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cũng đã xảy sạt lở, gây hư hại tài sản trên một số đoạn đường, gồm: đoạn sạt lở với chiều dài 15m, rộng 2,5m của tuyến tỉnh lộ 672 qua xã Măng Ri; đoạn sạt lở nằm ở đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh qua xã Văn Xuôi. Các đoạn sạt lở này với hiện trạng lún, mặt bê tông bể, có vị trí hở hàm ếch, gây nguy cơ đứt đường.

Theo lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Tu Mơ Rông, ngành chức năng đã cho khắc phục điểm sạt lở ở tỉnh lộ 672; còn đối với hư hỏng ở đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh, địa phương đã báo Sở GTVT Kon Tum tổ chức sửa chữa. Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua đoạn đường này, ngành chức năng đã cắm biển cảnh báo.

Do mưa lớn, đường Hai Bà Trưng, TP Kon Tum bị sạt lở, hở hàm ếch.Ảnh: HỮU PHÚC

Do mưa lớn, đường Hai Bà Trưng, TP Kon Tum bị sạt lở, hở hàm ếch.Ảnh: HỮU PHÚC

Ông Nguyễn Trọng Thọ, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GTVT Kon Tum, cho biết, đã có 10 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường khác do đơn vị quản lý đã bị sạt lở vì mưa lớn và nước ngập trong những ngày qua, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng. Để thông tuyến, đơn vị đã huy động các nhà thầu phụ trách bảo dưỡng các tuyến đường để dân đi lại an toàn.

Rủi ro dưới bờ taluy

Trong khi đó, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng), dường như năm nào cũng xảy ra các vụ sạt lở với quy mô và mức độ khác nhau. Phần do địa hình dốc, phần người dân san gạt mặt bằng để thuận lợi xây dựng nhà cửa, tuy nhiên, do không đồng nhất về kiến trúc, vật liệu, cách thức xây dựng và mật độ xây dựng ngày càng gia tăng, kéo theo nguy cơ sạt lở cao khi gặp mưa lớn.

Mới đây, tại đường Ba Tháng Tư, phường 3, TP Đà Lạt, do sự cố cống thoát nước bị tắc nên chỉ sau trận mưa lớn, nước từ trên đường lớn tràn xuống gây ngập nhà dân. Chỉ sau hơn 2 giờ đã gây sạt lở bờ taluy cao khoảng 7m. Chính quyền địa phương sau đó đã di dời tài sản và người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Có mặt tại thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng), chúng tôi ghi nhận nhiều căn nhà đang bị uy hiếp bởi vách taluy bị sạt lở, tạo khe nứt lớn, uy hiếp khoảng 15 hộ dân trong khu vực. Đây là hậu quả của trận mưa lớn kéo dài nhiều giờ trên địa bàn khiến nước tích tụ gây sạt lở.

Trước đó, một vụ sạt lở cũng đã xảy ra trên địa bàn, trực tiếp đổ khối lượng đất đá lớn xuống căn nhà số 686, khiến ông Nghiêm Đình Quang (40 tuổi) bị đất vùi lấp tử vong. Thời điểm xảy ra vụ lở đất, tại phía trên bờ taluy không có hiện tượng bất thường nên người dân không phát hiện, nhưng khi mưa đêm kéo dài nhiều giờ đã gây ra vụ việc khiến người dân không thể trở tay.

Các vụ sạt lở công trình tại Lâm Đồng thường xuất hiện khi xảy ra mưa lớn do đây là thời điểm các bờ taluy xây dựng lâu năm, kỹ thuật lạc hậu, khi ngấm nước gây ra các vụ sạt lở. Nhiều khu vực người dân khi phát hiện những dấu hiệu rạn nứt ban đầu, nhưng vì thiếu kinh phí đã không thể sửa chữa…

Trước những diễn biến thời tiết bất thường, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát tất cả các công trình, dự án đang trong quá trình thi công (giao thông, thủy lợi, xây dựng…) và các khu vực dân cư sống tại khu vực đồi dốc, taluy có nguy cơ sạt lở cao, khu vực trũng thấp; kịp thời phát hiện, yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công dừng thi công công trình, dự án có nguy cơ mất an toàn lao động hoặc trường hợp nhà đầu tư không thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn theo quy định.

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa quyết định phê duyệt dự án đầu tư di dời khẩn cấp dân ra khỏi vùng lũ quét xã Liên Hà (huyện Lâm Hà) có tổng vốn đầu tư 11,5 tỷ đồng. Dự án sẽ hỗ trợ di dời khẩn cấp 17 hộ dân với 65 nhân khẩu thuộc 4 thôn Sình Công, Chiến Thắng, Liên Hà 1, Liên Hà 2 (xã Liên Hà) và đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu trong vùng dự án để đảm bảo tính mạng và tài sản của các hộ dân, yên tâm sinh sống, có điều kiện phát triển sản xuất ổn định lâu dài.

Tin cùng chuyên mục