Tết này về hay ở? - Chăm lo để “giữ chân” công nhân

Sau khi TPHCM dỡ bỏ phong tỏa khoảng hơn một tháng nhờ kiểm soát được dịch Covid-19, gần như các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) và khu công nghệ cao… tại TPHCM đã hoạt động trở lại, với hơn 300.000 công nhân làm việc. Hầu hết doanh nghiệp hoạt động đáp ứng công suất, dự báo nhiều doanh nghiệp “tăng công suất” cho đến những ngày cận Tết Nguyên đán, thậm chí xuyên tết để kịp đơn hàng. 
Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn sản xuất 3 tại chỗ trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4
Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn sản xuất 3 tại chỗ trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4

Tăng lương, thưởng

Tan ca, từ KCX Linh Trung I, chị Lê Thị Thảo (ngụ phường Linh Trung, TP Thủ Đức) ghé chợ mua ít đồ ăn rồi về ngay với 3 đứa con nhỏ. Chị tần ngần khi chúng tôi hỏi chuyện tết năm nay về quê hay ở lại. Làm công nhân 19 năm cho Công ty Freetrend, chị cho biết, dạo trước dịch thì gần như ngày nào cũng ráng tăng ca mới đủ tiền lo chi phí sinh hoạt gia đình. “Mùa dịch vất vả lắm mới trụ nổi. Giờ tới mùa tết, không dám nghĩ tới chuyện về quê ngoài miền Trung, dù nhớ nhà dữ lắm. Năm qua dịch bệnh bùng phát, không làm được gì, chẳng có dư được bao nhiêu”, chị Thảo tâm sự.

Tâm trạng chị Thảo cũng là tâm trạng chung mà chúng tôi ghi nhận ở hầu hết những khu nhà trọ, nơi có công nhân làm việc trong các KCN-KCX. Việc ngại ngần không về quê của người lao động lại trùng hợp với câu chuyện sản xuất giáp tết, bắt tay làm ngay sau tết, nhằm đáp ứng các đơn hàng tăng đột biến của doanh nghiệp. 

Ngày 10-1, trao đổi với PV Báo SGGP, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM Hứa Quốc Hưng cho biết, có khoảng 75% công nhân của KCX-KCN sẽ không về quê đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sẽ nghỉ vào ngày 28 tháng Chạp năm Tân Sửu, làm lại sớm nhất vào ngày mùng 3 Tết Nhâm Dần 2022.

Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy hải sản Sài Gòn, cho biết, hiện tại công ty có 400 lao động đang làm việc. Tuy nhiên, công ty vẫn còn nợ các đơn hàng trong đợt dịch Covid-19 nên phải vận động người lao động nghỉ tết tại TPHCM. “Theo kế hoạch, việc sản xuất kéo dài đến 29 Tết, làm lại vào mùng 4 Tết. Để tạo không khí xuân về, công ty sẽ làm “phố hoa” trong khuôn viên với cây mai, gói bánh chưng, tổ chức bữa cơm, tặng túi thực phẩm an sinh và tiền lì xì, bốc thăm trúng thưởng nhiều phần quà hơn so với mọi năm. Ngày đi làm lại đầu năm, công ty cũng phát tiền lì xì”, ông Trương Tiến Dũng nói.

Tại Công ty CP Vĩnh Thành Đạt, Tổng Giám đốc Trương Chí Thiện tỏ ra lo lắng công nhân về quê ăn tết mà không quay trở lại. Theo ông Thiện, đơn hàng nhận được tăng hơn so với mọi năm nên công ty lên kế hoạch phải trở lại sản xuất vào mùng 4 Tết. Do vậy, Tết Nguyên đán năm nay, công ty buộc phải “giữ chân” 70% người lao động. Để tạo “động lực” cho người lao động, ngoài chi tiền thưởng tháng 13, Công ty Vĩnh Thành Đạt cũng lì xì vào mùng 1 Tết cho công nhân và tổ chức các hoạt động vui xuân.

Tiếp sức đón tết

Những ngày cuối năm cũng là lúc tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị chăm lo tết cho công nhân bận rộn hơn bao giờ hết. Ông Trần Thiên Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chăm lo tết các KCX-KCN TPHCM (gọi tắt Ban chỉ đạo) cho biết, trong dịp Tết Nhâm Dần 2022 đã vận động các doanh nghiệp tổ chức các chuyến xe đưa và đón 1.000 công nhân về quê bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp, hoặc hỗ trợ tiền cho người lao động. Đặc biệt, hỗ trợ 100% vé tàu đưa 200 gia đình đoàn viên công đoàn tiêu biểu (gồm vợ, chồng, 2 con dưới 16 tuổi) và tặng 50 vé máy bay cho cá nhân tiêu biểu.

Công ty Vĩnh Thành Đạt sản xuất 3 tại chỗ trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Ảnh: THANH HẢI

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo đã vận động các doanh nghiệp tổ chức xe đưa rước người lao động về quê đón tết và trở lại làm việc. Ban chỉ đạo cũng phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Quỹ Hỗ trợ công nhân thành phố, siêu thị Sài Gòn Co.op tổ chức tặng 800 phần quà, trị giá 500.000 đồng/phần, cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Công đoàn các KCX-KCN tổ chức tặng 12.000 phần quà, trị giá mỗi phần 500.000 đồng cho công nhân khó khăn.

Đối với công nhân ở lại, Ban chỉ đạo tổ chức nhiều chương trình nhằm “đỏ lửa” 3 ngày tết. “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” sẽ bán hàng ưu đãi giảm giá các sản phẩm thiết yếu. Công đoàn Ban chỉ đạo sẽ tặng 1.000 phiếu đến công đoàn cho mỗi khu, mỗi phiếu trị giá 300.000 đồng. Ngoài ra, chương trình “Vui tết cùng công nhân” với các hoạt động như tặng quà cho các phòng trọ, công nhân có hoàn cảnh khó khăn, trang trí không gian tết, tổ chức các gian hàng trò chơi, ẩm thực, tổ chức thi gói bánh chưng, bánh tét… tạo thêm sân chơi cho công nhân… Việc “du xuân” dành cho công nhân cũng được lên kế hoạch. Ban chỉ đạo sẽ phân bổ 650 suất cho gia đình công nhân vui tết tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, từ nguồn hỗ trợ của Liên đoàn Lao động TPHCM.

Quảng Ngãi bỏ xét nghiệm RT-PCR người dân về quê

Ngày 10-1, trao đổi với PV Báo SGGP, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết đã chủ trì cuộc họp chính thức quyết định hủy bỏ quy định xét nghiệm RT-PCR đối với người dân đến/về địa phương này. Theo ông Đặng Văn Minh, hiện tại Quảng Ngãi đã kiểm soát được tình hình dịch Covid-19, các chốt phòng chống dịch được tháo dỡ nên việc đi lại, giao thương, làm ăn, hoặc về quê ăn tết của người dân không bị ngăn cản.

“Đối với bà con có nhu cầu về quê ăn tết, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất đón tiếp bà con chu đáo, chỉ vận động bà con tự đề cao ý thức phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng”, ông Đặng Văn Minh nói.

NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục