Tháng 7 của những tấm lòng

Trong quan niệm dân gian, người ta cho rằng, tháng 7 âm lịch, hay “tháng cô hồn”, phải kiêng kỵ bởi dễ xảy ra những điều xui rủi… Những ngày không may mắn là điều không thể tránh khỏi trong đời.

Để tránh những quan niệm không may mắn trong nhân gian vào tháng 7 âm lịch, người ta bắt đầu san sẻ và nghĩ cho nhau nhiều hơn. Đâu đó trên những góc đường, con hẻm nhỏ ở thành phố, nhiều người chung tay phát tô hủ tiếu, ổ bánh mì nóng hổi miễn phí mỗi buổi sáng, hay túi quà nhỏ lỉnh kỉnh mì gói, túi gạo, hộp trứng… đến những người vô gia cư, hoàn cảnh khó khăn. Những gì có thể cho đi, hay giúp đỡ một hoàn cảnh nào đó, người ta luôn sẵn lòng. 
Có rất nhiều góc nhìn khác nhau trong câu chuyện từ thiện, tốt xấu lẫn những tranh luận không hồi kết, đều có đủ. Nhưng người cho đi chưa bao giờ toan tính thiệt hơn, hay để ý tiểu tiết, vụn vặt… bởi niềm vui của họ là nụ cười của người nhận, chứ không phải lời cảm ơn khách sáo, hay cái cúi đầu mang ơn. 

Tháng 7 của những tấm lòng ảnh 1 Những tấm lòng sẻ chia với cộng đồng luôn hiện hữu khắp các con đường, ngõ hẻm ở TPHCM
Ở TPHCM, bất kể lúc nào cũng có thể chia sẻ với người xung quanh, người ta luôn sẵn lòng, chứ không riêng gì tháng 7. Nhưng có lẽ, tháng 7 như một lời hẹn, một dấu mốc để người ta không quên những phận đời quanh mình, sau những bộn bề của cuộc sống. Tháng 7 âm lịch nằm ở khoảng giữa năm, đủ để người ta nhìn lại một nửa năm đã qua và nếu có lòng thì chia sẻ chút nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh với những phận người quanh mình, để cùng bước hết một năm. Một túi gạo hay thùng mì kịp lúc cũng đắp đổi phần nào cho những ngày vất vả.

Tháng 7 cũng là một tháng trong năm, nhưng tích xưa người phương Nam thường quen gọi mùa Vu Lan báo hiếu, hay Ngưu Lang Chức Nữ gặp nhau… Và tiết trời Nam bộ tháng 7 cũng kéo dài những cơn mưa ngâu.

Tính toán lại số tiền còn trong quỹ, thay vì một tuần 150 phần quà, chị Ngô Thị Ngọc Ân (36 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cùng nhóm bạn tăng lên gấp đôi. “Tính đi tính lại thì nửa năm nay, thành viên trong nhóm ai cũng có đi làm, nên lúc cần quyên góp, mọi người rất sẵn lòng. Tiền quỹ cũng có nhà hảo tâm gửi chút đỉnh, dịp tháng 7 này cả nhóm tranh thủ đi trao quà mỗi buổi tối nhiều hơn. Ngày thường người bận việc, người kẹt lịch học, nhưng tới tháng 7, ai cũng ráng góp công, góp của một chút cho bà con nghèo”, chị Ân kể.

Nhiều nhóm bạn trẻ bắt đầu lên kế hoạch gửi chút quà cho người khó khăn trong tháng 7. Với lợi thế có sẵn một cửa hàng quần áo, Hoàng Phương Uyên (28 tuổi, ngụ quận Tân Phú) tổ chức các phiên chợ bán quần áo cũ để gây quỹ, cho chuyến phát quà vào ngày rằm tháng 7 sắp tới. “Cửa hàng tôi tổ chức các phiên bán đồ cũ quanh năm, định kỳ 1 tháng/lần, nhưng gần tháng 7 thì tăng lên, 1 tuần/2 lần để gây quỹ. Mỗi cái áo, bộ đầm chỉ vài chục ngàn đồng, có khi chưa được 1 ly trà sữa, nên phải tranh thủ mở nhiều phiên bán đồ để gây quỹ nhanh. Tôi dành hết số tiền thu được, mua quà và chia thành từng túi, một nửa thì tự mình đi phát và một nửa gửi tặng nhóm từ thiện mà tôi biết cũng hơn 3 năm nay”, Phương Uyên kể.

Những điều không may mắn, không riêng gì tháng 7, mà bất kể lúc nào cũng có thể xảy ra trong đời. Hỏi về xui rủi hay vận hạn trong tháng 7, Phương Uyên hay chị Ngọc Ân chỉ cười: “Tháng 7 có gì đâu mà đổ thừa…”. Buôn bán như Phương Uyên thì đắt ế cũng là lẽ thường, hay làm văn phòng như chị Ngọc Ân thì chấm công, báo cáo dồn dập cũng là chuyện thường ngày. 

Tháng 7 đôi khi còn đẹp hơn rất nhiều, bởi những tấm lòng sẻ chia với cộng đồng cộng hưởng nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục