Thành phố có chống được ngập?

Thành phố Hồ Chí Minh đang ngập mà ngày càng ngập nặng, đó là điều ai cũng thấy. Con nước triều cường mỗi tháng 2 lần, mỗi lần kéo dài 5 - 7 ngày là việc nhiều người thấy.

Đặc biệt, đợt triều cường những ngày gần đây nhất đã làm vỡ đê bao ở phường Hiệp Bình Chánh huyện Thủ Đức và một số nơi khác, làm đường sá biến thành sông mà nhiều người có thể bơi ghe được là điều mà báo chí thành phố đã phản ánh liên tục.

Làm gì để chống ngập cho thành phố là câu hỏi bức bối không chỉ đối với những người có trách nhiệm, đối với cơ quan chức năng mà còn đối với nhiều nhà khoa học. Trong khi việc chống ngập chưa đến đâu, hậu quả của con nước triều người dân thành phố lãnh đủ. Người ở ngay trong khu vực bị ngập thì đi lại khó khăn, buôn bán thất bát (do khách không tới được); người ở ngoài vùng ngập thì chí ít cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi có việc phải đi ngang qua khu vực này.

Đặc biệt lần này, hơn 200 hộ dân phường Hiệp Bình Chánh bị ảnh hưởng, trong đó phải tổ chức di dời một số hộ khỏi nơi ở bằng thuyền sau khi vỡ đê ngày 23-12. Hình ảnh một thành phố nhếch nhác, lai láng nước đục ngầu…, không một công dân nào không thấy chạnh lòng.

Vào giữa năm 2006, Báo SGGP đã đăng nhiều bài viết của các nhà khoa học về những giải pháp chống ngập cho thành phố, trong đó có đề xuất của GS-TSKH Lê Huy Bá, Đại học Quốc gia TPHCM. Theo GS Bá, muốn chống ngập, cần một giải pháp đồng bộ: Trước tiên phải ngưng ngay việc san lấp các kênh, rạch lấy mặt bằng; làm hồ điều hòa chứa nước; nhanh chóng hoàn thành các dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án kênh Hàng Bàng, kênh Rạch Tra và hàng loạt các việc khác. Sau đó, dự án chống ngập bằng cách xây hồ điều hòa chứa nước của GS Bá đã được UBND thành phố giao Sở GTCC thực hiện.

Mới đây, UBND thành phố đã ban hành một quyết định liên quan mật thiết đến người dân vùng ngập đó là thành lập một Trung tâm chống ngập thuộc Sở Giao thông Công chính. Chưa biết trung tâm này gồm những con người cụ thể như thế nào nhưng xem ra quyết định như một gáo nước lạnh dội vào người dân vùng ngập nước. Bởi đây là việc lớn, việc mà chính giám đốc Sở GTCC cũng còn ngán ngại khi hàng ngày, hàng tháng phải tiếp nhận không biết bao nhiêu thông tin về vùng ngập, điểm ngập mà hàng chục năm qua hết giám đốc cũ đến giám đốc mới lên thay đều làm không xong, lấy đâu một trung tâm trực thuộc kham nổi?

Tham khảo ý kiến của những người có trách nhiệm, xin được đề xuất: Nếu có một trung tâm chống ngập cho TP thì trung tâm đó phải do UBND TP trực tiếp chỉ đạo với một hội đồng tư vấn gồm các nhà khoa học, thực hiện là những đơn vị chuyên ngành mà mỗi đơn vị làm một gói thầu đơn lẻ. Có như vậy thì bộ máy trung tâm chống ngập mới mong hoạt động có hiệu quả góp phần giảm dần các điểm ngập trên địa bàn TPHCM.

PHỐ CẨM

Tin cùng chuyên mục