Thấp thỏm vì hàm ếch ven kênh Thanh Đa

Hàng chục gia đình sống bên dòng kênh Thanh Đa (phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM) thấp thỏm lo âu bởi nhà cửa cứ nghiêng dần xuống bờ kênh. Để đảm bảo an toàn, nhiều hộ gia đình phải di dời khẩn cấp. Người dân mong mỏi chính quyền sớm xây dựng bờ kè kiên cố để an tâm sinh sống.
Nhiều đoạn bờ kè, nhà cửa, đất đai cây cối của người dân dọc kênh Thanh Đa bị chìm theo con nước
Nhiều đoạn bờ kè, nhà cửa, đất đai cây cối của người dân dọc kênh Thanh Đa bị chìm theo con nước

Nơm nớp lo âu

Cuối tháng 6-2023, bờ kè kênh Thanh Đa được xây dựng khá kiên cố. Thế nhưng, bờ kè không đứng vững trước những đợt triều cường lớn, dòng nước chảy xiết nên đã đổ ập xuống sông. Trong khoảng 4 tháng, từ một đoạn ngắn ban đầu, nay bờ kè bị sập kéo dài hàng trăm mét, ăn sâu vào khu dân cư hơn 10 mét. Dãy nhà sát bờ kênh khoảng hơn 10 căn đã nứt vỡ, nghiêng hẳn xuống phía bờ sông, có nguy cơ chìm xuống nước bất cứ lúc nào. Nhiều người dân phải bỏ lại nhà cửa, di dời đi ở nơi khác để bảo toàn tính mạng. Hàng chục gia đình ở lại luôn sống trong cảnh nơm nớp lo âu vì nền đất cứ tụt dần, không biết lúc nào phải rời nhà đi lánh nạn.

Ông Lê Văn Thành (Tổ phó Bảo vệ Khu phố 5, đã nhiều tháng canh trực tại hiện trường) cho biết, nước xoáy tạo thành những hàm ếch ăn sâu vào khu dân cư. Bên dưới các căn nhà ở dãy ngoài đều trống rỗng, không còn nền móng nên có thể đổ xuống sông bất cứ lúc nào. Cứ sau mỗi đợt triều cường, nước rút xuống kéo đất cát tạo ra lỗ hổng càng lớn. Chỉ xuống chân mình, ông Thành nói: “Không chừng hàm ếch đã vào chỗ mình đang đứng”.

Nhà ở đối diện đoạn bờ kè đã chìm sâu dưới sông, chị Nguyễn Thị Thu Thoa không giấu nỗi lo lắng: từ khi bờ kè chìm xuống nước, cuộc sống người dân bị đảo lộn, đời sống gặp nhiều khó khăn. Những ngày triều cường, nước dâng cao làm cả khu dân cư bị ngập sâu, ca nô, ghe máy chạy qua tạo ra sóng lớn, nước tràn cả vào nhà, người dân khó đi lại, buôn bán ế ẩm. Khi triều xuống, mọi người lại càng lo hơn vì nhà cửa, đất đai cứ bị con nước “gặm” dần.

Ông Nguyễn Văn Ngà (nhà ở số 88/6A Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25, quận Bình Thạnh), người có mấy chục năm trong nghề xây dựng, cũng như ngồi trên lửa. Theo ông, nhà cửa ở khu vực này xây dựng đã từ lâu, móng cọc đơn giản nên khó đứng vững khi nằm trên hàm ếch. Bờ kè sập đã kéo theo dãy nhà ngoài cùng nghiêng đổ xuống sông. Với đà sụt lún nhanh như hiện nay, không còn bao lâu nữa, sụt lún sẽ tiến tới dãy nhà thứ hai, thứ ba.

Vết nứt trên đường đang rộng dần

Những ngày này, người dân ở ven kênh Thanh Đa tất bật gia cố lại tường rào bằng tôn sắt để giảm thiệt hại của đợt triều cường lớn vào cuối năm. Nỗi lo lắng hiện lên trên nét mặt người dân khi dãy nhà ven sông nghiêng đổ dần và trên con hẻm của dãy nhà thứ hai đã xuất hiện vết nứt kéo dài, ngày càng to dần. Vết nứt cảnh báo nguy cơ sập đổ đối với những dãy nhà kế tiếp là khó tránh khỏi, nếu chính quyền không kịp thời gia cố, xây dựng lại bờ kè.

Dân quân cơ động Nguyễn Phúc Tài nhiều tháng nay cắm chốt tại hiện trường, dẫn chúng tôi đi theo con hẻm, chỉ cho chúng tôi thấy vết nứt trên đường xuất hiện khi dãy nhà bên ngoài nghiêng xuống sông. Chỉ sau hơn 1 tháng mà vết nứt đã kéo dài hàng chục mét, khe hở trên đường cứ rộng dần. Những người lớn tuổi ở đây cho biết, vết nứt xuất hiện do dãy nhà ven sông nghiêng đổ đã kéo theo dãy nhà thứ hai. Nhiều người đoán rằng ở phía dưới mặt đất, hàm ếch đã ăn sâu vào con hẻm, tiến vào dãy nhà thứ hai.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Tồn, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, TPHCM thông tin, chính quyền địa phương đã tổ chức lực lượng cắm chốt, canh phòng 24/24 tại hiện trường để ngăn không cho người dân vào điểm sạt lở, giữ gìn tài sản và ứng cứu kịp thời khi sự cố xảy ra. Đối với những căn nhà có nguy cơ sụp đổ cao, phường đã vận động, tổ chức 3 đợt di dời, đưa 11 hộ dân rời nhà đến tạm cư ở chung cư Phan Chu Trinh (quận Bình Thạnh). Để người dân ổn định đời sống, an tâm ở chỗ tạm cư, chính quyền địa phương cùng các đoàn thể đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, vật dụng sinh hoạt cho người dân.

Những tháng cuối năm, người dân sống ở khu vực sạt lở ven kênh Thanh Đa càng thêm lo lắng, bởi thời gian này triều cường lớn, dòng nước trên sông Sài Gòn chảy mạnh càng khoét sâu hàm ếch, tăng nhanh tốc độ sạt lở. Trong khi đó, những biện pháp cắm biển báo cảnh báo sạt lở, lập chốt canh phòng hay di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm chỉ là giải pháp cấp bách, tạm thời. Hàng chục gia đình ven kênh Thanh Đa mong chính quyền sớm đầu tư xây dựng lại bờ kè để người dân an tâm sinh sống, không còn cảnh thấp thỏm lo âu nhìn nhà cửa, tài sản cứ lần lượt chìm theo con nước.

Tin cùng chuyên mục