GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sau một thời gian gấp rút xây dựng, chuẩn bị về nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị y tế, từ ngày 24-8, Trung tâm Hồi sức tích cực Trung ương Huế tại TPHCM bắt đầu thu dung, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Trung tâm có quy mô hơn 600 giường bệnh, chia làm 4 phân khu: bệnh nhân nguy kịch, bệnh nặng, thoát hồi sức, chuẩn bị ra viện; được trang bị hệ thống máy móc hiện đại như máy thở chức năng cao, máy monitor, máy sốc tim, bồn oxy dung tích 20m², hệ thống oxy tới tận giường bệnh.
Đến nay, trung tâm đã có 400 y, bác sĩ, chủ yếu là nhân lực của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Quảng Bình, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam và Bệnh viện Phong - da liễu Trung ương Quy Hòa… Đây là đội ngũ nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, được đào tạo các kỹ thuật chuyên sâu về Hồi sức cấp cứu như: Thở máy, liệu pháp thay thế thận (CRRT), oxy hóa máu qua màng (ECMO)…
Hiện trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho 790 bệnh nhân. Trong đó, đã điều trị khỏi cho 220 bệnh nhân, đang điều trị cho 346 bệnh nhân; tỷ lệ bệnh nhân diễn biến nặng trên tổng số bệnh nhân đang điều trị giảm mạnh chỉ còn 50% và dự kiến đến tháng 12-2021 tiếp tục giảm chỉ còn 25%.
Trung tâm liên tục cập nhật phác đồ điều trị của Bộ Y tế và nhận được nhiều kết quả khả quan, đặc biệt hiện tại không có bệnh nhân chạy ECMO, tỷ lệ bệnh nhân ra viện tăng cao.
Trong gần 2 tháng vừa qua, chiến lược giảm các ca bệnh nặng và tử vong tại trung tâm đã có hiệu quả, số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 nặng và nguy kịch giảm rõ rệt.
Dự kiến đến cuối năm 2021, TPHCM giảm còn 2 tầng điều trị cho phù hợp với tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 sắp đến thay vì “3 tầng 5 lớp” như hiện tại.