Theo kịch bản BĐKH, đến năm 2100, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thế tăng từ 2 - 30C, nước biển dâng thêm 78 - 100cm. Tình trạng này sẽ khiến trên 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, hơn 2,5% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích TPHCM có nguy cơ bị ngập.
Thực tế này gây ảnh hưởng trực tiếp đến 9% dân số vùng Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, gần 9% dân số các tỉnh ven biển miền Trung và khoảng 7% dân số TPHCM. Riêng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 35% dân số bị ảnh hưởng và nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Các lĩnh vực, khu vực và đối tượng dễ bị tổn thương là nền nông nghiệp, hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, sức khỏe cộng đồng và hạ tầng kỹ thuật, người nghèo, dân tộc thiểu số, người già, phụ nữ.
Bộ TN-MT cho biết, cần tập trung nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong thiết kế và xây dựng công trình. Trong đó, ưu tiên đầu tư hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm cho các đô thị và khu dân cư tập trung, nhằm giảm thiểu các tác hại của thiên tai. Không dừng lại ở đó, cần tăng cường nâng cao nhận thức cho cộng đồng bằng các hoạt động bảo vệ môi trường, giúp họ hiểu đúng bản chất của BĐKH để thích nghi, chủ động điều chỉnh hành vi, tiến tới sống chung với BĐKH.