Thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành nông nghiệp

Theo đại diện nhiều trường có đào tạo ngành nông nghiệp, điểm đầu vào thấp, tuyển không đủ chỉ tiêu, tổng chỉ tiêu luôn thấp hơn so với những nhóm ngành khác là thực tế đáng buồn.

Trong chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ NN-PTNT có mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5%-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của ngành đạt bình quân từ 5,5%-6%/năm; đến năm 2050, Việt Nam sẽ nằm trong nhóm những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, thực tế đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp hiện nay đang trong tình trạng báo động với rất nhiều thách thức.

Điểm “đội sổ”, tuyển không đủ chỉ tiêu  

TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) An Giang - ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết, trong 3 năm gần đây, điểm đầu vào những ngành nông nghiệp của trường chỉ 14-16 điểm. Mặc dù điểm thấp nhưng ngành luôn trong tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu.

Khảo sát nhiều trường ĐH thuộc Bộ NN-PTNT và cả những trường ĐH khác có đào tạo ngành nông nghiệp, những năm qua tuyển sinh chỉ đạt 30%-35% chỉ tiêu. Theo dự báo, năm 2022, tình hình tuyển sinh khối ngành này cũng không khá hơn.

PGS-TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, chia sẻ: “ĐH Quốc gia TPHCM vừa ký kết với UBND tỉnh An Giang về tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; chia sẻ cơ sở dữ liệu, hiệu quả ứng dụng kết quả nghiên cứu; hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tuy nhiên, qua khảo sát và tìm hiểu thực trạng đào tạo các ngành nông nghiệp, tôi thật sự băn khoăn bởi trong vài năm gần đây, điểm chuẩn đầu vào của những ngành này chỉ 14, 15 và 16, thấp nhất so với những ngành khác, nhưng lại không tuyển đủ chỉ tiêu. Chúng ta đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hiện đại mà nguồn nhân lực như vậy thì rất khó”.

Thiếu nguồn nhân lực chuyên ngành nông nghiệp ảnh 1 Sinh viên ngành Thú y Trường ĐH Nông Lâm TPHCM thực hành kiểm tra sức khỏe cho cừu 

Tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, những ngành như Chăn nuôi, Phát triển nông thôn, Lâm học, Quản lý tài nguyên rừng, Nông học, Công nghệ chế biến lâm sản có mức điểm chuẩn cũng “đội sổ”. Từ năm 2019-2021, điểm chuẩn những ngành này chỉ từ 16-18,25. Còn tại 2 phân hiệu ở Gia Lai và Ninh Thuận, điểm chuẩn chỉ quanh quẩn 15 và 16.

Trường ĐH Cần Thơ, được xem là trường có uy tín và thế mạnh về đào tạo ngành nông nghiệp cho vùng ĐBSCL, cũng chung cảnh ngộ. Điểm chuẩn các ngành Khoa học đất, chăn nuôi, Nông học, Công nghệ rau quả và cảnh quan, Chăn nuôi, Kinh doanh nông nghiệp khá thấp. 

Trong tình trạng tương tự, các kỳ tuyển sinh từ năm 2019-2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có điểm chuẩn các ngành Bảo vệ thực vật, Bệnh học thủy sản, Chăn nuôi, Chăn nuôi thú y, Kinh tế nông nghiệp phát triển nông thôn, Thú y, Thủy sản… chỉ từ 15-18.

Hay như những trường thành viên có đào tạo ngành nông nghiệp thuộc các ĐH vùng như ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Thái Nguyên, điểm chuẩn các ngành nông nghiệp không chỉ thấp nhất so với những trường nói trên (từ 14-15) mà còn phải tuyển đến các đợt sau, nhưng luôn trong tình trạng tuyển không đủ chỉ tiêu.  

Gỡ nút thắt về nhân lực 

GS-TSKH Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế Luật - ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, để phát triển nông nghiệp, nông thôn như tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chúng ta phải bám sát 4 trụ cột chính là kinh tế, môi trường, xã hội và thể chế. Việc phát triển kinh tế nông nghiệp phải có những chính sách đặc thù cho ngành và cho từng vùng.

Tỉnh nào cũng mong muốn phát triển nhưng bỏ trống bài toán nhân lực thì không thể thực hiện được. Những đề xuất và giải pháp phải tính tới hiệu quả cụ thể, có chính sách thu hút và đãi ngộ nhân lực rõ ràng. 

Nhìn từ thực tế của cơ sở đào tạo, TS Võ Văn Thắng, Trường ĐH An Giang, cho rằng: “Qua khảo sát sinh viên đang học cũng như đã ra trường, nhiều em cho biết học xong sẽ lên thành phố để tìm việc làm vì nhiều cơ hội. Điều này là rất thực tế nhưng chúng tôi cảm thấy xót xa, bởi lẽ địa phương thì thiếu nhân lực, tuyển sinh và đào tạo không đủ chỉ tiêu nhưng sau khi ra trường thì các em không làm ở địa phương. Điều này cho thấy chúng ta đang thiếu chính sách thu hút và đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ chân nguồn nhân lực có chuyên môn nông nghiệp ở lại địa phương”.

Còn theo TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, để thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra, bài toán nhân lực phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không có nhân lực cao thì khó triển khai mục tiêu cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Đặc biệt, chương trình đào tạo các ngành nông nghiệp hiện nay cũng cần phải có sự đổi mới và mạnh dạn thí điểm.

Theo đại diện nhiều trường có đào tạo ngành nông nghiệp, điểm đầu vào thấp, tuyển không đủ chỉ tiêu, tổng chỉ tiêu luôn thấp hơn so với những nhóm ngành khác là thực tế đáng buồn. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, cần phải có chính sách đặc thù cho đào tạo nhân lực của ngành nông nghiệp. Giải pháp trước tiên là phải có chính sách tuyển sinh để thu hút người học, sau đó là có chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục