Mặc dù Đề án Bệnh viện (BV) vệ tinh đã được Bộ Y tế triển khai từ năm 2013 trên cơ sở Đề án Luân phiên bác sĩ về cơ sở (Đề án 1816), nhưng đến nay hiệu quả chưa được như mong muốn.
Tuy rằng về cơ bản đã đào tạo được hàng trăm lớp cho bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng; huấn luyện, tập huấn, chuyển giao hàng chục kỹ thuật, giúp các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cơ sở chủ động hơn trong khám chữa bệnh, giảm đáng kể tình trạng chuyển viện, nhưng xem ra vẫn còn một số địa phương chưa mặn mà!
Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên ở TPHCM vẫn chưa giảm
Tuyến trên nhiệt tình
Là một trong những BV tuyến trung ương khu vực phía Nam, 3 năm qua BV Chợ Rẫy TPHCM đã tiến hành thực hiện đề án vệ tinh theo sự phân công của Bộ Y tế khá nhiệt tình. Với trách nhiệm làm trung tâm cho 4 BV vệ tinh là BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, BV Thống Nhất - Đồng Nai và BV Đa khoa tỉnh Đồng Nai, BV Chợ Rẫy đã chuyển giao 6 gói kỹ thuật (ngoại chấn thương chỉnh hình, nội tim mạch, ngoại thần kinh sọ não, ngoại tiêu hóa, tim mạch can thiệp và phẫu thuật tim) cho các BV trên. Từ đó, đã xây dựng thành công đơn vị vệ tinh can thiệp tim mạch tại BV Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cũng như tại 3 BV vệ tinh còn lại, giúp giảm đáng kể số lượng bệnh nhân chuyển tuyến trên từ 47,4% xuống còn 4,04%.
“Trong giai đoạn tới, BV tiếp tục đào tạo và chuyển giao kỹ thuật thêm cho 19 BV vệ tinh với 5 gói kỹ thuật chuyên ngành ngoại chấn thương (gồm: chấn thương chỉnh hình, ngoại thần kinh sọ não, ngoại tiêu hóa, ngoại gan mật tụy, ngoại tiết niệu) và 3 gói kỹ thuật chuyên ngành tim mạch (phẫu thuật tim, tim mạch can thiệp, nội tim mạch)”, PGS-TS Trần Quyết Tiến, Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết tại hội nghị sơ kết dự án BV vệ tinh giai đoạn 2013-2015 và triển khai dự án giai đoạn 2016-2020 của BV.
Trong khi đó, ung bướu là chuyên khoa có tình trạng quá tải nghiêm trọng nhất và chủ yếu tập trung vào tuyến trên, nhất là BV Ung bướu TPHCM, thì nay qua triển khai BV vệ tinh, nhiều BV tuyến tỉnh đã có thể điều trị ung bướu. Một phần của kết quả đó là BV Ung bướu TPHCM đã nhiệt tình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 7 BV vệ tinh khác gồm Đa khoa Khánh Hòa, Cần Thơ, Quân y 175, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mau với tổng cộng 16 kỹ thuật đã được chuyển giao. Theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu, nếu như trước đây người bệnh ung bướu đổ về TPHCM thì nay đã có một số BV tuyến dưới gánh vác, giảm tải được đáng kể, lại đỡ tốn chi phí cho người bệnh và xã hội.
Tuyến dưới “ầu ơ”!
Với Đề án BV vệ tinh, lấy BV tuyến trên làm trung tâm hạt nhân, các BV tuyến dưới được chuyển giao kỹ thuật, điều trị được những ca bệnh khó, không phải chuyển lên tuyến trên, đỡ tốn thời gian, tiền bạc cho người bệnh; BV vệ tinh nắm bắt kỹ thuật mới, cứu chữa nhiều ca bệnh khó, thu hút được nhiều bệnh nhân. Cái lợi là thế nhưng không phải địa phương nào cũng mặn mà, thậm chí còn tỏ ra thờ ơ. PGS-TS Trần Quyết Tiến, cho hay cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ ở một số BV vệ tinh còn thiếu hoặc chưa đồng bộ trong việc nhận chuyển giao kỹ thuật; chưa có kế hoạch cụ thể và không đủ nhân lực để nhận chuyển giao kỹ thuật. “Trong 4 BV làm vệ tinh của BV Chợ Rẫy, chỉ có duy nhất BV Thống Nhất - Đồng Nai là được cấp đủ vốn đối ứng”, PGS-TS Trần Quyết Tiến ngán ngẩm. Lãnh đạo một số BV tuyến trên cũng nhìn nhận nhiều chính quyền địa phương hứa cấp vốn đối ứng để đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc chuyển giao các gói kỹ thuật nhưng chờ mãi, đến hết giai đoạn chuyển giao vẫn chưa thấy vốn đâu, các BV vệ tinh không có kinh phí để đầu tư cho gói kỹ thuật tiếp nhận.
Tại hội nghị tăng cường công tác BV vệ tinh mới đây, PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cũng cho rằng để làm được BV vệ tinh cần có sự quan tâm đầu tư của chính quyền các tỉnh, nhất là cần có vốn đối ứng khi được Bộ Y tế phê duyệt đề án. “Một số tỉnh làm tốt nhưng một số tỉnh chưa duyệt cấp hoặc cấp chưa đủ kinh phí đối ứng. Hơn nữa, một số BV tuyến dưới chưa được đầu tư đủ nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật”, ông Khuê chia sẻ. Thực tế này đã từng được nhiều BV tuyến trên than phiền rằng các địa phương chưa quan tâm đúng mức. “Có BV vệ tinh đã cử người lên đào tạo, học tập về kỹ thuật đặt stent tim mạch rồi nhưng không sắm nổi máy chụp mạch vành nên không chuyển giao được”, lãnh đạo một BV tuyến trên tâm sự. Không ít BV tuyến trên cũng thắc mắc là công tác giải ngân còn vướng mắc thủ tục. Thậm chí tình trạng giải ngân cũng rất khiêm tốn, chưa thúc đẩy việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.
Đề án BV vệ tinh là chủ trương của Chính phủ với mục tiêu chính là giảm tải tuyến trên, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới. Mặc dù đã đạt được kết quả đáng kể nhưng vẫn chưa thỏa mãn được vì còn một số BV tuyến trên có năng lực chưa nhiệt tình tham gia BV hạt nhân giúp chuyển giao, đào tạo. Còn nhiều BV tuyến dưới lại chưa đủ điều kiện tham gia làm vệ tinh. Ghi nhận cho thấy một số địa phương có tỷ lệ chuyển viện vẫn cao, chất lượng y tế cơ sở chưa nâng lên đáng kể.
| |
TƯỜNG LÂM