
Việc Chính phủ thống nhất trình Quốc hội điều chỉnh giảm GDP năm 2009 xuống còn 5%, đồng thời đưa ra gói giải pháp kích cầu lần thứ 2 theo ý kiến của nhiều chuyên gia đang tạo luồng sinh khí mới cho nền kinh tế đất nước. Theo lẽ thông thường, khi giảm GDP đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ thất nghiệp. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, hoàn toàn có thể giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp bằng cách vận dụng các giải pháp kích cầu đúng lúc, đúng nơi.
Cần ưu tiên tạo việc làm

Công nhân Công ty giày Quế Bằng (quận 11, TPHCM) tham gia sản xuất giày da xuất khẩu qua Italia. Ảnh: THÀNH TÂM
Chỉ tiêu việc làm trong năm 2009 đã được Quốc hội thông qua là tạo việc làm cho 1,7 triệu người (căn cứ theo tính toán GDP đạt 6,5%).
Vừa qua Chính phủ thống nhất trình Quốc hội điều chỉnh GDP xuống còn 5%, đồng nghĩa với việc chỉ tiêu tạo việc làm 1,7 triệu người cũng sẽ phải tính toán lại.
Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, theo công thức tăng trưởng 1% sẽ giải quyết được 0,34% việc làm. Dĩ nhiên, khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao, không đồng nghĩa với việc sẽ đem lại số việc làm tương ứng. Trong bối cảnh hiện nay, ông Trần Đình Thiên cho rằng, mục tiêu tạo việc làm còn phải đặt trước so với tăng trưởng. “Ưu tiên cho mục tiêu tạo việc làm sẽ thay đổi cấu trúc mối quan hệ giữa tăng trưởng và tạo việc làm. Vì nếu ưu tiên tăng trưởng trước, thì sẽ dốc sức đầu tư cho khu vực tạo ra sản lượng nhanh; còn đặt mục tiêu tạo thêm việc làm sẽ có thể tập trung đầu tư cho những khu vực tạo ra được việc làm lâu dài nhưng chưa hẳn đã có tăng trưởng ngay”, ông Trần Đình Thiên phân tích.
Ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTB-XH cho biết, cả nước có khoảng 45 triệu lao động.
Trong số này, số làm việc tại các doanh nghiệp chỉ hơn 9 triệu người, còn lại lao động của khu vực ngoài doanh nghiệp, lao động tự do, hợp tác xã...
Trong bối cảnh suy giảm kinh tế diễn ra từ cuối năm 2008 đến nay, qua các tính toán, Cục Việc làm đã dự báo số lao động bị mất việc sẽ khoảng 400.000 người. Thống kê từ 47 tỉnh, thành phố cho thấy, số lao động bị sa thải cả năm 2008 khoảng 67.000 người, 3 tháng đầu năm 2009 là trên 20.000 người.
Điều đáng nói là đến nay, tuy Chính phủ đã có chính sách để hỗ trợ người lao động mất việc làm được vay vốn đào tạo nghề, tạo việc làm mới... nhưng chính sách này đến nay vẫn gần như chưa được triển khai. Đến thời điểm này cũng chưa có doanh nghiệp nào vay tiền để hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động. Vì thế, vấn đề việc làm cần được ưu tiên hơn, làm tập trung và hiệu quả hơn.
“Thời cơ vàng” cho đào tạo nhân lực
Khi kinh tế suy giảm, thất nghiệp gia tăng là hiển nhiên. Vấn đề đặt ra là ứng phó với tình trạng này như thế nào. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội cho rằng, bên cạnh các gói giải pháp kích cầu mà Chính phủ hiện đang triển khai, cần tận dụng bối cảnh suy giảm kinh tế như là một “thời cơ vàng” để tập trung vấn đề dạy nghề, nâng chất lượng nguồn nhân lực.
Theo ông Dũng, tỷ lệ thất nghiệp càng tăng, càng phải ưu tiên dạy nghề. “Thậm chí một số quốc gia đã đổ tiền ra để giữ chân người lao động, người học nghề ngồi lâu hơn ở các trường nghề. Không gì hiệu quả hơn bằng việc biến nguy cơ thất nghiệp thành cơ hội đào tạo, đào tạo lại người lao động. Khi người lao động chấp nhận học nghề trong giai đoạn này, Chính phủ cũng không phải lo lắng nhiều cho bài toán thất nghiệp”, ông Dũng phân tích. Điều đó cũng có nghĩa là khi nền kinh tế phục hồi, chúng ta đã sẵn sàng một lực lượng lao động tay nghề vững vàng, có trình độ, có thể đáp ứng yêu cầu của các lĩnh vực phát triển. Đào tạo nghề trong bối cảnh suy giảm kinh tế, thất nghiệp gia tăng được cho là cách đầu tư khôn ngoan, đầu tư đón đầu, “mai phục” và hiệu quả là rất lớn - vẫn ông Dũng phân tích.
Trên thực tế, hiện nay Chính phủ cũng tận dụng “thời cơ vàng” để đẩy mạnh vấn đề dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển. Hàng loạt đề án trong lĩnh vực đào tạo nghề đang được triển khai.
Ông Đào Văn Tiến, Chánh văn phòng Tổng cục Dạy nghề cho biết, “Đề án đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020” đang được xây dựng. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có kết luận về đề án này theo hướng chuyển mạnh từ việc dạy nghề dựa trên năng lực sẵn có của cơ sở dạy nghề sang việc dạy nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
Hiện tại, đề án hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008 - 2015 đã được triển khai. Đề án phát triển giáo viên dạy nghề giai đoạn 2009 - 2015 đang được xây dựng. Đặc biệt, 2 đề án quan trọng là dạy nghề cho lao động nông thôn và bộ đội xuất ngũ cũng đang được hoàn thiện để có thể triển khai ngay trong năm 2009 này.
Với hàng chục ngàn tỷ đồng mà ngân sách nhà nước bỏ ra, khi 2 đề án này đi vào cuộc sống, việc dạy nghề sẽ được phủ kín đến đối tượng nông dân cũng như bộ đội xuất ngũ.
Phan Thảo
Nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng được lao động Ngày 8-4, Hội Hữu nghị Việt Nam - Hàn Quốc và Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM (HEPZA) đã tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc tại TP, nhằm củng cố môi trường đầu tư và tìm hướng giải quyết những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Các DN Hàn Quốc cho biết, hiện lượng đơn đặt hàng đã ổn định và sẽ tăng thêm trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất mà họ đang gặp phải là việc tuyển dụng thêm lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Đại diện Công ty Teratex Việt Nam (quận 12) cho biết: trước đây, khi công ty có nhu cầu tuyển lao động thì số hồ sơ xin việc nộp vào mỗi ngày đến trên 200, nhưng hiện nay chỉ nhận được từ 5 - 10 bộ hồ sơ/ngày. Ngoài ra, DN cũng phản ánh một số vấn đề, như: cơ sở hạ tầng kết nối thông tin viễn thông, internet của KCN-KCX còn nhiều hạn chế, thủ tục xuất hàng mẫu chậm, gây cản trở trong giao dịch với đối tác ở nước ngoài; việc tuyên truyền pháp luật lao động trong CN chưa đầy đủ; rào cản ngôn ngữ đôi lúc còn tạo ra những vụ đình công, lãn công không đáng có… Q.Lâm |