Mấy ngày qua, khi giá gas tăng lên tới 502.000 đồng/bình 12kg, không ít người ngán ngẩm. Với thu nhập bình quân của hai vợ chồng làm công chức nhà nước, khoảng trên dưới 12 triệu đồng/tháng, ngoài chi phí ăn ở, đi lại, điện nước, điện thoại, internet… và nhất là tiền học cho 2 đứa con, số tiền còn lại không biết phải chi như thế nào suốt cả tháng. Chính vì vậy, khi giá gas lên cao, không ít người lo lắng, những giải pháp được gia đình họp bàn, đưa ra bài toán: chọn loại năng lượng gì để thay thế cho việc nấu nướng: than, củi, dầu hôi, gas, điện…?
Bài toán tưởng chừng như dễ giải, thực ra lại khó. Cái khó chính là những nhà căn hộ chung cư không thể nấu than, củi, như vậy khói mịt mù, hun nhà trên chắc không ổn. Không ít người sống trong những năm 70 - 80 và tận 90 chắc không thể quên được chuyện nấu nướng bằng dầu hôi. Nhưng lâu lắm rồi, bếp dầu người ta đã đưa vào viện bảo tàng chứng tích thời bao cấp. Không lẽ bây giờ lại sử dụng cái đồ đã được trưng bày hoặc bán đấu giá. Nhưng nói gì cũng được, miễn là nấu nướng giá rẻ, không cao như gas.
Giá dầu hôi hiện là 20.200 đồng/lít, nếu khéo sử dụng, có thể đun nấu cho cả ngày, tính ra một tháng cần 30 lít dầu hôi, bằng 600.000 đồng. Còn cao hơn giá gas. Cuối cùng, khi tính toán tới điện, với giá điện hiện nay, bình quân 1.304 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), thì với bếp từ có công suất 1.200W/giờ, nấu nướng bằng điện là rẻ nhất. Bởi lẽ nếu so sánh với giá gas (sử dụng cho khoảng 40 ngày/bình 12kg, tính ra mỗi ngày đốt hết 12.500 đồng gas) thì rõ ràng bếp từ đang có ưu thế lớn trong “cơ cấu” chi phí cho hai bữa ăn hàng ngày, chỉ khoảng 8.000 đồng/ngày.
Thật ra, việc tính toán như trên đối với các hộ gia đình chỉ là tương đối, vì mức tiêu thụ mỗi gia đình đều khác nhau. Nhưng tính sơ sơ cũng thấy việc đun bếp điện sẽ rẻ hơn, sạch hơn, an toàn hơn (không cháy, nổ).
Thị trường bếp từ hiện nay muôn hình vạn trạng, đủ các kiểu, từ bếp Fushibao của Trung Quốc, đến King Korea, Munchen của Đức, Teka của Tây Ban Nha… với giá thấp nhất là 360.000 đồng/bếp của Trung Quốc và cao nhất là 45.199.000 đồng. Tính năng thì cũng rất khác nhau, rẻ, không nhiều tính năng, không tắt tự động, không có cảm ứng điều khiển nhiệt cho phù hợp với thức ăn. Đa số các bếp đắt tiền đều đến từ Đức và Tây Ban Nha. Dĩ nhiên, cái giá trên chỉ dành cho nhà giàu.
Mua bếp từ, phải mua, thay hết nồi cũ, bằng loại nồi inox, thủy tinh cao cấp “đít bằng” mới phù hợp. Với trang bị mới gồm bếp, nồi…việc “cơ cấu” lại tổ hợp cooking – nấu nướng xem ra cũng mất khoảng một triệu đến vài chục triệu, tùy đẳng cấp của mỗi người.
Nhưng sự chẳng đừng. Việc giá gas tăng liên tục khiến người mua phải lựa chọn cái gì rẻ nhất, có lợi nhất để mua. Và hình như cái thời của bếp từ đang lên ngôi.
Vấn đề cần bàn là, cho đến nay, hầu như người mua phải tự mò mẫm, tự tìm hiểu bếp nào bền, tốn ít điện, lại nhiều chức năng, an toàn, chứ chưa thấy một “ông” siêu thị nào tư vấn cho khách hàng một cách thường xuyên. Cái dịch vụ khách hàng xem ra chưa nhạy bén. Giá như các siêu thị, người ta tính toán, đưa ra các con số tham vấn thuyết phục, thì ai cũng thấy bếp gì nên mua, chi phí hàng tháng cho một gia đình, nếu dùng bếp từ là bao nhiêu.
Thời của bếp từ, hình như đang đến là vậy. Khi giá gas đẩy người tiêu dùng ra xa, thì người ta đành kết thân với bếp từ. Cái khổ của người tiêu dùng là cứ phải nhìn ngang liếc dọc, thấy cái gì rẻ hơn là chạy lại mua. Và giải pháp cho sự lựa chọn, là nên mua bếp có cả hai chức năng gas và từ. Để sau này, nếu gas có rẻ hơn điện, thì lại bật gas lên mà đun.
THĂNG LONG