Sau 3 năm thực hiện bảo hiểm y tế tự nguyện

Thu ít, chi nhiều, nguy cơ vỡ quỹ

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại rộ lên thông tin, dự kiến từ 1-1-2007, sẽ tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện. Đây là thông tin lần thứ hai về việc tăng mức đóng BHYT trong năm nay (trước đó khi có thông tin dự kiến tăng mức đóng BHYT bắt buộc, dư luận đã phản ứng khá ầm ĩ). Thực hư của vấn đề này như thế nào? Thực tế, BHYT bắt buộc hay BHYT tự nguyện mới cần thiết phải tăng mức đóng?Tại sao rất nhiều người cho rằng đã đến lúc BHYT tự nguyện bị phá sản?
Thu ít, chi nhiều, nguy cơ vỡ quỹ

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng lại rộ lên thông tin, dự kiến từ 1-1-2007, sẽ tăng mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) tự nguyện. Đây là thông tin lần thứ hai về việc tăng mức đóng BHYT trong năm nay (trước đó khi có thông tin dự kiến tăng mức đóng BHYT bắt buộc, dư luận đã phản ứng khá ầm ĩ). Thực hư của vấn đề này như thế nào? Thực tế, BHYT bắt buộc hay BHYT tự nguyện mới cần thiết phải tăng mức đóng?Tại sao rất nhiều người cho rằng đã đến lúc BHYT tự nguyện bị phá sản?

Vì sao cần phải tăng mức đóng tự nguyện?

Thu ít, chi nhiều, nguy cơ vỡ quỹ ảnh 1
Ngày càng nhiều bệnh nhân thấy được tiện ích của thẻ BHYT.

Ông Hoàng Kiến Thiết, Trưởng ban Bảo hiểm tự nguyện, BHXH Việt Nam, cho biết, thực ta “thủ phạm” gây vỡ quỹ BHYT chính là BHYT tự nguyện, chứ không do BHYT bắt buộc.

Trong 6 tháng đầu năm 2006, BHXH các tỉnh đã thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng BHYT tự nguyện trên 521 tỷ đồng, bằng 100% so với dự kiến thu BHYT tự nguyện của cả năm 2006. Dự kiến tổng chi phí khám chữa bệnh của đối tượng tự nguyện cả năm 2006 là 1.400 tỷ đồng, tức là bội chi khoảng trên 900 tỷ đồng.

Trong khi đó, ước tính số đối tượng tham gia BHYT tự nguyện năm 2006 là 9,58 triệu người, thu về chỉ khoảng 581 tỷ đồng cho BHXH. Tính toán cơ cấu chi của BHYT tự nguyện cho thấy, đối với đối tượng học sinh- sinh viên, BHYT tự nguyện bội chi gấp 1,5 lần số thu vào; còn đối tượng nhân dân thì BHYT tự nguyện bội chi gấp năm lần.

Trong khi đó, hiện nay mức đóng BHYT của đối tượng tự nguyện nhân dân chỉ bằng 30%-40% mức đóng của đối tượng BHYT bắt buộc (mức đóng BHYT tự nguyện tối đa chỉ 160.000 đồng/người/năm, trong khi đó đối với BHYT bắt buộc là trên 300.000 đồng/người/năm), mà quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT tự nguyện lại không có gì khác so với quyền lợi của đối tượng tham gia BHYT bắt buộc.

“Có một thực tế rất đau đầu, đó là BHYT tự nguyện chỉ thu hút những người có bệnh tham gia, còn những người mạnh khoẻ thì rất ít. Vì vậy, với BHYT tự nguyện, nguyên tắc cộng đồng cùng chia sẻ dường như không thành hiện thực”, ông Thiết phân trần.

Mới đây, Viện Chính sách y tế (Bộ Y tế) đã có một điều tra về cách làm của BHYT tự nguyện, và kết luận: cách làm BHYT tự nguyện hiện nay là duy ý chí, vì đó chỉ là BHYT dành cho người ốm, nhất là những người ốm nặng.

Vì vậy, hiện BHXH không thể lo nổi cho BHYT tự nguyện. Chỉ trong vòng 1 năm qua, BHYT tự nguyện đã tiêu gần hết nguồn quỹ kết dư của quỹ BHYT trong suốt hàng chục năm qua (năm 2006 này, BHYT đã trích từ nguốn kết dư 1.500 tỷ đồng để chi cho bội chi khám chữa bệnh, trong đó riêng BHYT tự nguyện là gần 1.000 tỷ đồng). “Đến lúc lo không được thì phải tính cách khác, mà không tính được thì chỉ có cách để BHYT tự nguyện.. phá sản”, ông Thiết quả quyết.

Lại tăng mức đóng, hạn chế chi trả?

Thu ít, chi nhiều, nguy cơ vỡ quỹ ảnh 2
Chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân có thẻ BHYT tại Bệnh viện Nhân dân 115. Ảnh: MAI HẢI

Theo Thông tư 22, người có thẻ BHYT tự nguyện sẽ được hưởng toàn bộ quyền lợi như người có thẻ BHYT bắt buộc. Tuy nhiên hiện nay, trước tình hình quỹ BHYT tự nguyện có nguy cơ bị phá sản, BHXH đang đề nghị các bộ ngành sửa đổi Thông tư 22 theo hướng tăng mức đóng BHYT tự nguyện và hạn chế chi trả đối với BHYT tự nguyện.

BHXH đề nghị điều chỉnh lại 3 điểm. Thứ nhất, về đối tượng mua BHYT tự nguyện, BHXH đề nghị chỉ còn 2 đối tượng là học sinh-sinh viên và hộ gia đình (bỏ đối tượng hội viên hội đoàn thể và thân nhân người lao động) nhằm kiểm soát tốt việc mua thẻ BHYT tự nguyện, không để xảy ra tình trạng lạm dụng mua thẻ BHYT tự nguyện chỉ cho những người có bệnh nặng.

Thứ hai, BHXH đề nghị thay đổi khung mức đóng BHYT tự nguyện hiện nay, bảo đảm khung mức đóng tối thiểu bằng 3% mức lương tối thiểu hiện hành, tức là tối thiểu là 160.000 đồng/người/năm, tối đa là 300.000 đồng/người/năm (mức đóng BHYT bắt buộc). Mức đóng 160.000-300.000 đồng sẽ căn cứ trên mức thu nhập của người dân, khu vực sống...

Thứ ba, BHXH đề nghị hạn chế chi trả đối với các bệnh mãn tính, có thời gian điều trị dài, chi phí lớn (BHYT tự nguyện chỉ chi trả một phần). Ví dụ như chạy thận nhân tạo chu kỳ và thẩm phân phúc mạc chu kỳ không quá 12 triệu đồng/năm; điều trị tiểu đường, basedow, hemofili không quá 7 triệu đồng/năm.

Những đề xuất này hiện đã được BHXH báo cáo chính thức với các bộ ngành liên quan để có thể áp dụng ngay từ năm 2007, nếu có thể. Theo quan điểm của BHXH Việt Nam, ngay cả việc đưa ra các đề xuất thay đổi thông tư 22 này, BHXH biết là sẽ vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận, nhưng đó là điều phải làm nếu không muốn để BHYT tự nguyện... tự phá sản.

Để thực hiện BHYT toàn dân, chỉ có thể bằng con đường toàn dân đóng BHYT bắt buộc, nhằm bảo đảm nguyên tắc cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro. “Nếu cứ duy ý chí thực hiện BHYT tự nguyện như hiện nay, vô hình trung chúng ta đang thực hiện mô hình bảo hiểm cho những người ốm...”, ông Hoàng Kiến Thiết quả quyết.

Lại một lần nữa, BHYT đang gây “sốc” cho dư luận, bởi đang đứng trước một bài toán khó!

QUANG PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục