Thu nhập và chỗ ở công nhân - Trách nhiệm đạo đức và lương tâm của doanh nghiệp

Thu nhập thấp và chỗ ở tạm bợ đang là vấn nạn đối với người lao động – nhất là lao động nhập cư làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, KCX-KCN ở các TP lớn, đặc biệt là TPHCM và các tỉnh giáp ranh.

Báo chí đã nhiều lần lên tiếng. Nhà nước đã có nhiều văn bản quy định nhằm bảo đảm quyền lợi người người lao động về thu nhập và chỗ ở. Có những văn bản còn quy định rõ mức lương tối thiểu và chỗ ở tối thiểu về diện tích, điều kiện môi trường… Thế nhưng vẫn có hàng chục ngàn công nhân sống chui rúc trong những căn nhà trọ tồi tàn tạm bợ; vẫn có hàng trăm cuộc đình công của công nhân đòi chủ nhà máy xí nghiệp, cải thiện thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc…

Vì sao? Một thời gian dài, vì ưu tiên mời gọi đầu tư, các quy định, chính sách của Chính phủ và các địa phương đều “trải thảm đỏ” - tối ưu hóa quyền lợi cho các nhà đầu tư. Nhiều năm liền, trong các báo cáo tổng kết hàng quý, hàng năm, các ngành, các địa phương chỉ chú ý đến số lượng các dự án đầu tư đã đăng ký và quy mô của mỗi dự án quy ra đô la. Thu hút đầu tư đã trở thành… chỉ tiêu phấn đấu. Tỉnh nào thu hút được nhiều nhà đầu tư, có được nhiều dự án triển khai xây dựng… là nơi đó thành công.

Điển hình là Bình Dương, từ một tỉnh nông nghiệp nghèo, hàng năm phải nhận trợ cấp của chính phủ, chỉ trong vòng chục năm, trở thành tỉnh giàu hàng top ten của cả nước nhờ đã thu hút gần 5.000 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 30.000 tỷ đồng và hơn 1.450 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư gần 7,4 tỷ USD… Không phủ nhận sự hiện diện của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Thế nhưng, chính sách mời gọi đầu tư bằng mọi giá đã xuất hiện mặt trái – nhà đầu tư không bị ràng buộc trách nhiệm pháp luật trong việc chăm lo điều kiện sống – ăn ở, đi lại, giải trí, học hành – của người lao động. Những văn bản quy định về sau, chỉ mang tính “định hướng”, đã không được các địa phương tích cực kiểm tra, chế tài doanh nghiệp không thực hiện vì sợ mang tiếng làm “xấu môi trường đầu tư”…

Lợi dụng “lỗ hổng” này, không ít nhà đầu tư thiếu lương tâm đã “đục nước béo cò” – ra sức bóc lột người lao động bằng các biện pháp: trả lương thấp, cắt thưởng, cắt tiêu chuẩn nghỉ phép, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; tự đặt ra các quy định kỷ luật lao động hà khắc để “tận thu” thời gian làm việc của người lao động như tăng ca, giãn ca, bớt xén ngày nghỉ, giờ nghỉ, và đặc biệt, họ không chịu trách nhiệm về giải quyết chỗ ở và nhu cầu học tập vui chơi giải trí của người lao động…

Tuy nhiên, trong tình thế đó, vẫn có những nhà đầu tư quan tâm thật sự đến quyền lợi của người lao động. Trong dịp Tết Mậu Tý, Tổng Công ty Dệt Phong Phú đã quy định mức thưởng tết cho người lao động lên 7 triệu đồng/người, bằng với mức thưởng của Tổng giám đốc. Không những thế, hàng quý và hàng năm, công ty còn tổ chức các hoạt động vui chơi cho công nhân như hội chợ, hội thi, hội diễn văn nghệ, dã ngoại…

Đặc biệt hơn, Công ty Nissei ở KCX Linh Trung, Công ty cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng ở cụm công nghiệp nhựa Đức Hòa Long An… đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây nhà ở cho công nhân. Người lao động ở các doanh nghiệp này, không những tiết kiệm được một khoản chi phí chỗ ở mà còn có chỗ nghỉ ngơi sinh hoạt tương đối tiện nghi, an toàn sau một ngày làm việc.

Điều đó góp phần phục hồi sức lao động, tạo sự gắn bó NLĐ với DN. Ở những DN này, chắc chắn sẽ rất ít xảy ra tình trạng đình công, lãn công và thiếu hụt lao động do công nhân bỏ việc vào mỗi dịp nghỉ tết. Đó là lợi ích lâu dài và không nhỏ đối với nhà đầu tư…

Trong khi “phép nước” chưa đầy đủ hoặc chưa được thi hành nghiêm túc thì rất cần thiết khuyến khích, nhân rộng các điển hình – chủ doanh nghiệp - chủ động tăng thu nhập, chăm lo về chỗ ở, sinh hoạt văn hóa, học tập… cho người lao động. Điều đó cũng sẽ là thước đo tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức và lương tâm của doanh nghiệp!

NGUYỄN ĐỨC

Tin cùng chuyên mục