Luật thuế Thu nhập cá nhân

Thu thuế kiểu... hớt ngọn!

Chẳng ai sống được với mức lương, vậy mà dựa trên mức lương để “đánh” thuế là bất hợp lý; lúc có thu nhập thì bị tính thuế, khi thất nghiệp, ai lo; đầu tư lời bị tính thuế, lỗ sao không được khấu trừ...? Nhiều chuyên gia, luật sư, giáo sư, tiến sĩ đã thảo luận, đề xuất nhiều vấn đề xung quanh dự luật thuế thu nhập cá nhân tại cuộc hội thảo do Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp - Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính tổ chức vào ngày 2 và 3-7.

* Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự:
Thu thuế cổ tức là thu 2 lần

Lợi tức, cổ tức là tiền chia được từ lợi nhuận của công ty, tức là thu nhập sau thuế, vì công ty đã đóng thuế thu nhập doanh nghiệp rồi. Nhưng nếu dự luật lại đánh thuế cổ tức nữa là trùng, tức một nguồn lợi nhuận bị đánh thuế 2 lần. Vì thế, không nên thu thuế lợi tức, cổ tức.

Ngoài ra, theo tôi, nên tính thuế trên tổng thu nhập thực tế chứ không nên tính thuế theo từng khoản thu nhập. Vì phân chia nộp thuế theo khoản thu nhập riêng lẻ sẽ tạo sự bất công bằng bởi thực tế có những khoản thu nhập có giá trị âm (ví dụ như doanh thu trong hoạt động kinh doanh, lãi suất chứng khoán…). Nếu chúng ta vì không kiểm soát được thu nhập thực tế mà quay sang kiểm soát từng nguồn thu để tính thuế thì không hợp lý. Vì tính đơn giản, tổng thu nhập của một cá nhân có thể bằng “âm” nhưng với cách tính thuế theo từng khoản thu thì chắc chắn họ sẽ phải đóng thuế những khoản “dương” nổi trội trong các con số thu.

Vì thế, dự luật phải xem lại mức thuế suất sao cho hợp lý, nếu để thuế suất cao có thể làm kiệt quệ nguồn thu, tạo ra nguy cơ xã hội không năng động, hạn chế đầu tư.

* TS Lê Thị Thu Thủy, Đại học Quốc gia Hà Nội:
Không nên tính thuế theo kiểu... hớt ngọn!

Dự luật quy định mức thuế suất đối với lãi vốn đầu tư đến 25% là quá cao. Cách tính tiền lãi đầu tư chứng khoán từ giá bán cổ phiếu trừ giá mua, tôi nghĩ là chưa đúng thực tế. Vì hoạt động đầu tư đâu chỉ mua – bán đơn giản thế mà nhà đầu tư còn phải tốn thời gian công sức nghiên cứu, điều tra thị trường, chi cho các nhà tư vấn… Những chi phí hợp lý đó có được khấu trừ không? Thử đặt lại vấn đề, nếu nhà đầu tư đầu tư bị lỗ, có được khấu trừ không? Trong khi hoạt động kinh doanh luôn tiềm ẩn rủi ro. Trong khi các nước khác, chẳng hạn như ở Mỹ, nếu nhà đầu tư kinh doanh bị lỗ thì số tiền lỗ sẽ được khấu trừ vào thuế tiền lãi lần sau.

Vấn đề tính thuế thu nhập cá nhân cũng thế, nếu người đó có công ăn việc làm, có mức thu nhập cao thì bị tính thuế, đó là điều hợp lý nhưng khi người đó mất việc, không có thu nhập thì ai lo, nhà nước có chăm lo ngược lại cho họ không? Nếu dự luật chưa tính tới yếu tố đó thì chẳng khác nào “tận thu” mà không bảo vệ quyền lợi của người kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân nói chung.

* PGS-TS Nguyễn Thị Liên, Học viện Tài chính:
Phải có cơ chế quản lý tốt thì mới chống được tiêu cực

Rõ ràng, nếu mức thuế có thấp đến mấy mà thu không công bằng thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng trốn thuế. Vì thế, để luật thuế đi vào cuộc sống, không bị tác dụng ngược, chúng ta cần có những cơ chế quản lý phù hợp để đảm bảo công bằng. Cụ thể, thứ nhất, mở rộng hình thức áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Thứ hai, cấp mã số thuế thu nhập cá nhân (thủ tục đơn giản, dễ thực hiện), bước đầu thiết lập hệ thống đối chiếu mã số thuế giữa người nộp thuế và người thuộc diện được nuôi dưỡng, nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp chồng chéo. Thứ ba, mở rộng hình thức khấu trừ nộp thuế thay, chủ thể nộp thuế thay được hưởng một tỷ lệ nhất định trên số tiền nộp thay…

Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức phải liên kết lại để có cơ sở dữ liệu quản lý về con người, việc làm, hoạt động kinh doanh... Chẳng hạn cơ quan cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh phải nắm được kinh doanh của một người ở nhiều nơi, chính quyền phải nắm được một người làm việc cùng lúc cho nhiều công ty, doanh nghiệp. Từ đó mới tránh được việc trốn thuế, thất thu thuế.

* Chuyên gia kinh tế Vũ Ngọc Nhung:
Phải nâng mức chịu thuế và kiểm soát thực thu nhập

Nếu lấy mức thu nhập chịu thuế trên 4 triệu như dự thảo thì quá thấp. Sao luật không nhìn nhận thực tế mà cứ nhìn trên con số ảo. Ai cũng có mức lương “không đủ chuẩn tính thuế” nhưng có ai sống được với mức lương đó? Ai cũng kêu ca lương không đủ sống vậy mà luật thuế lại dựa vào đó để tính thuế, như vậy có hợp lý không? Trong khi, mức khởi điểm chịu thuế đó so với thế giới chỉ bằng 1/3 mức sống của người nghèo, điều đó cho thấy tầm nhìn trong dự luật bị hạn chế. Nếu mức chịu thuế xuống thấp thì dẫn đến tận thu, tập trung đánh vào đối tượng nghèo.

Hơn nữa, cách tính thuế của ta không nên tính trên từng tháng mà phải có cơ sở để người có thu nhập có nguồn dự trữ đủ để lo cho gia đình khi ốm đau, có tiền nuôi con ăn học đạt trình độ cao…

Vì thế, ngoài việc nâng mức chịu thuế lên 10 triệu đồng, tôi đề nghị phải mở rộng mức khấu trừ gia cảnh đến việc mua sắm các thiết bị, nhà cửa để đảm bảo mức sống, việc học con cái trong gia đình. 

HÀN NI

Tin cùng chuyên mục