Thủ tướng bấm nút khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong các cơ quan nhà nước dự kiến quản lý xấp xỉ 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.
Thủ tướng bấm nút khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức

Chiều 29-12, Bộ Nội vụ đã chính thức đưa hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về CBCCVC đi vào hoạt động. Theo Bộ Nội vụ, trong hoạt động của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương, CSDL quốc gia về CBCCVC là một trong những CSDL được đánh giá đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, trung thực về đội ngũ CBCCVC trên cả nước phục vụ công tác quản lý biên chế và công tác quản lý, sử dụng CBCCVC.

Thủ tướng cùng các đại biểu bấm nút khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Thủ tướng cùng các đại biểu bấm nút khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong mọi hoạt động, Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị quyết số 21 về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định nhiệm vụ xây dựng CSDL quốc gia về CBCCVC là một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay, không chỉ của Bộ Nội vụ mà còn của tất cả các bộ, ban ngành và địa phương.

Việc xây dựng CSDL quốc gia về CBCCVC là một trong những cấu phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, nhằm thực hiện việc xây dựng, quản lý, cập nhật dữ liệu thường xuyên, tổ chức khai thác, sử dụng và lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc

Đến thời điểm này, CSDL quốc gia về CBCCVC đã hoàn thành xong các giai đoạn thiết kế, xây dựng phần mềm, lắp đặt thiết bị hạ tầng, cài đặt hệ thống, đào tạo và triển khai trên phạm vi toàn quốc (96 bộ, ngành, địa phương). Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp triển khai thí điểm tại TP Đà Nẵng, tỉnh Bến Tre để làm cơ sở hoàn thiện hệ thống, danh mục dữ liệu dùng chung và biểu mẫu.

Sau khi tiến hành đào tạo, tập huấn trên toàn quốc, hệ thống bắt đầu triển khai chính thức vào cuối tháng 11, đầu 12-2022 và đến thời điểm này đã tích hợp, đồng bộ được dữ liệu của 33 bộ, ngành, địa phương vào cơ sở dữ liệu quốc gia và CBCCVC trong các cơ quan nhà nước. Cùng với đó, Bộ Nội vụ được sự phối hợp của Bộ TT-TT, tiếp tục thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu từ các bộ, ngành, địa phương còn lại cũng như đồng bộ bổ sung, làm giàu dữ liệu để đảm bảo CSDL quốc gia được đầy đủ, cập nhật theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”.

Trong thời gian tới, CSDL quốc gia về CBCCVC sẽ được khai thác trên phạm vi toàn quốc, phục vụ mục tiêu sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống.

Để thực hiện được mục tiêu đó, CSDL quốc gia về CBCCVC cần sự đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc, dữ liệu cần cập nhật thường xuyên, có sự kết nối mọi lúc, mọi nơi, giữa tất cả các cơ quan, ban ngành, địa phương và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và CSDL về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để sử dụng có hiệu quả dữ liệu thông tin về CBCCVC.

Theo đó, không chỉ đòi hỏi cơ sở hạ tầng, năng lực cũng như kinh nghiệm rất lớn của nhà cung cấp giải pháp công nghệ, mà còn cần sự tham gia triển khai tích cực của toàn ngành nội vụ và sự chung tay góp sức của các bộ, ban, ngành, địa phương.

Để triển khai, sau gần 2 năm chuẩn bị, tháng 5-2022, Bộ Nội vụ đã ký kết chương trình hợp tác xây dựng CSDL quốc gia với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Trong hơn 6 tháng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã triển khai các giải pháp kỹ thuật, giải pháp về an toàn thông tin phù hợp nhất cho dự án. Đặc biệt là việc xây dựng và triển khai dự án CSDL quốc gia về dân cư, việc tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư để đồng bộ với dữ liệu CBCCVC đảm bảo tính chính xác của dữ liệu.

Tin cùng chuyên mục