Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai và bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022; định hướng giai đoạn 2023-2025. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan… và lãnh đạo các đơn vị, ban ngành liên quan.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương đã chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời tổ chức hội nghị quan trọng này nhằm trao đổi giải pháp phát triển thị trường trong bối cảnh thế giới, khu vực đang có nhiều biến động phức tạp.
Theo Thủ tướng, 7 tháng của năm 2022, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cụ thể là cuộc xung đột Nga - Ukraine; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; giá dầu thô và các hàng hóa, vật tư chiến lược tăng cao; chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát gia tăng ở hầu hết các quốc gia, đối tác kinh tế lớn… Một số nước rơi vào khủng hoảng; nhiều nền kinh tế sa vào giảm phát, suy thoái.
Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế; thời gian qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục tăng trưởng cao với kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo cả năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ USD… Trong các thành tích nổi bật kể trên, có sự đóng góp quan trọng của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành công thương với hệ thống thương vụ ở nước ngoài.
Dự báo tình hình thế giới, khu vực trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, gây nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế trong nước do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.
Dự báo các thị trường lớn của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của lạm phát, đồng tiền bản địa mất giá so với đồng USD, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp do tổng cầu giảm; chính sách thắt chặt tiền tệ và chính sách “zero Covid” ở một số nơi cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam theo hướng kém thuận lợi hơn.
Bối cảnh này đòi hỏi ngành công thương nói chung và hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nói riêng phải tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu thị trường, tham mưu chính sách và nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà nước ta là thành viên, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Thủ tướng đề nghị các thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tập trung trao đổi, phân tích tình hình, chính sách của nước sở tại, từ đó khuyến nghị các biện pháp cụ thể giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức hiện nay để phát triển, đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.
Theo Bộ Công thương, hiện nay, hệ thống thương vụ tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gồm 61 thương vụ và chi nhánh. Trong đó, khu vực châu Á - châu Phi có 28 thương vụ và 4 chi nhánh; khu vực châu Âu - châu Mỹ có 26 thương vụ và 3 chi nhánh. Đồng thời còn có 1 phái đoàn Việt Nam tại Tổ chức Thương mại Thế giới và 3 văn phòng xúc tiến thương mại (1 trung tâm giới thiệu sản phẩm tại Mỹ và 2 văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc).
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hệ thống thương vụ của Việt Nam đã đảm bảo thực hiện tốt các chức năng chính là đại diện và bảo vệ lợi ích quốc gia trong lĩnh vực kinh tế - thương mại; xúc tiến mở rộng thị trường nước ngoài cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp ở Việt Nam và ở nước ngoài; thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế, chính sách thị trường sở tại, tham mưu, đề xuất về các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương phù hợp.
Các thương vụ còn chủ động phát hiện và tháo gỡ các rào cản thương mại mà các nước áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, giải quyết các tranh chấp thương mại giữa nước ta và nước ngoài, bảo vệ tốt được quyền lợi kinh tế của quốc gia cũng như là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp tại nước ngoài.