Thúc đẩy kinh doanh tại thị trường nội địa

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu mà còn làm gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển hàng hóa thương mại. Trong bối cảnh đó, thị trường nội địa với quy mô gần 100 triệu dân được xem là “mảnh đất” tiềm năng để doanh nghiệp (DN) khai thác vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tới. 
 Hàng Việt được ưu tiên quầy kệ tại các siêu thị của Saigon Co.op
Hàng Việt được ưu tiên quầy kệ tại các siêu thị của Saigon Co.op

Trụ đỡ từ thị trường nội địa

Theo các chuyên gia kinh tế, 3 chân kiềng của nền kinh tế giúp tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được xác định là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong đó, với chân kiềng thứ 3 tiêu dùng nội địa được DN khẳng định vô cùng quan trọng bởi qua 2 năm dịch bệnh kéo dài, nhiều đơn vị có thể trụ vững cũng nhờ thị trường nội địa được chú trọng và phát huy tối đa. “Nhận thấy thị trường nội địa với 100 triệu dân nếu khai thác tốt, khai thác đúng sẽ rất tiềm năng cho những DN sản xuất hàng thời trang, vì thế, 5 năm trước, chúng tôi đã có kế hoạch triển khai tiếp cận thị trường nội địa bằng việc ra mắt thương hiệu thời trang denim dành riêng cho người Việt. Trong đợt dịch vừa rồi, khi hoạt động xuất khẩu bị ngưng trệ thì những hoạt động bán buôn của nhãn hàng chúng tôi tại nội địa vẫn được duy trì. Đây là tín hiệu tốt và chúng tôi sẽ phát huy trong thời gian tới bằng việc nghiên cứu, phân tích hành vi, thói quen tiêu dùng của người Việt để cho ra mắt những sản phẩm phù hợp”, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean, chia sẻ. 

Cùng đánh giá thị trường nội địa là trụ đỡ vững chắc, nhiều DN khác như Tập đoàn Phúc Sinh, Tập đoàn Minh Phú, Công ty Pacific Foods… sau thời gian dài chỉ xuất khẩu thì gần đây cũng đã tập trung nhiều hơn vào nội địa và có thành công nhất định. Tuy vậy, theo đại diện Hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, sau thời gian dài bị tác động của dịch Covid-19, sức mua ở thị trường nội địa giảm sút, người tiêu dùng đã giảm quy mô giỏ hàng về số lượng hàng hóa ở mỗi lượt mua sắm. Chính vì thế, giai đoan này muốn kích cầu hiệu quả, DN cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, đồng thời chú trọng xây dựng hệ thống kênh phân phối để tăng độ phủ. Bên cạnh đó, DN cần quan tâm, nghiên cứu nhiều hơn tới hành vi tiêu dùng của khách hàng để có điều chỉnh kịp thời, phù hợp theo thị hiếu của họ. 

Liên kết để thúc đẩy sau dịch

Là DN có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước cùng các mô hình bán lẻ đa dạng, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, qua đại dịch vừa rồi Saigon Co.op nhận thấy, xu hướng chi tiêu của người Việt đã có nhiều thay đổi theo hướng kiểm soát chặt hơn và chú trọng hơn vào nhóm hàng lương thực thực phẩm có chất lượng. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng mua sắm nhiều hơn qua các nền tảng thương mại điện tử, thay vì chỉ mua sắm truyền thống tại các cửa hàng như trước đây. Với những thay đổi này, theo ông Lê Trường Sơn, Saigon Co.op sẽ tận dụng ưu thế về dữ liệu về hành vi mua sắm của khách hàng để chia sẻ với DN Việt, giúp họ nắm bắt và có chiến lược kinh doanh phù hợp. “Tôi tin rằng không ai am hiểu người Việt và khách hàng việc hơn DN Việt nên đây sẽ là những hỗ trợ lớn nhất của chúng tôi với DN trong nước”, ông Sơn khẳng định.

Ngoài chia sẻ thông tin với DN, Saigon Co.op còn hợp tác với DN nhỏ và vừa, hợp tác xã… nhằm giúp họ phát huy thế mạnh riêng của từng đơn vị. Cụ thể, Saigon Co.op sẽ phối hợp với DN tại các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu, cung cấp giải pháp về kỹ thuật, hỗ trợ một phần tài chính và đặc biệt là xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện cho hàng hóa của DN vào các hệ thống phân phối của Saigon Co.op. Thông qua chiến lược cụ thể này, Saigon Co.op mong muốn giúp DN có kế hoạch sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Riêng với kênh phân phối thương mại điện tử, theo báo cáo nghiên cứu thị trường mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, bán hàng đa kênh kết hợp giữa online và offline sẽ là xu thế nổi bật, điều này đang đòi hỏi các DN phải hành động đối ứng với sự thay đổi về xu hướng hành vi tiêu dùng của đại bộ phận khách hàng. Nắm bắt xu thế này, nhiều DN sản xuất, phân phối cho biết sẽ chú trọng nhiều hơn vào kênh bán online và đầu tư bài bản hơn để tiếp cận khách hàng nội địa hiệu quả. 

Đơn cử, Saigon Co.op đã và đang đẩy mạnh triển khai mô hình thương mại điện tử (E-Commerce) và phương thức bán lẻ đa kênh (Omni Channel). Bên cạnh đó, trang thương mại điện tử http://coopmart.vn; kênh bán hàng qua điện thoại... được ra mắt và chính thức phục vụ khách hàng đã trở thành kênh mua sắm được ưa chuộng trên thị trường bán lẻ. Với nỗ lực và hướng đi trên, các DN kỳ vọng việc phát triển thị trường nội địa trong giai đoạn tới sẽ tốt hơn; người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng và ưu tiên sử dụng hàng Việt nhiều hơn.

Tin cùng chuyên mục