Cùng Chính phủ chống lạm phát

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp

Giải pháp đã đúng hướng

Những giải pháp trong thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ đưa ra qua bài viết “Phấn đấu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững” là đúng hướng, có tính hệ thống và lô-gic nội tại. Tuy nhiên, điều quan trọng không kém là phải đảm bảo để biện pháp đúng đắn đó được triển khai thành những chính sách tốt và có hiệu lực trong thực tiễn.

Giải pháp đã đúng hướng

Kinh nghiệm của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng đều cho thấy để chống lạm phát cần phối hợp một cách đồng bộ nhiều giải pháp. Đặc biệt là chính sách tiền tệ thắt chặt phải đi đôi với chính sách hạn chế chi tiêu và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thông qua bài viết này, Thủ tướng đã gửi đi những thông điệp rõ ràng về một số vấn đề quan trọng. Thứ nhất, đó là ưu tiên số một sẽ được dành cho chống lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững trong tương lai. Điều này cũng có nghĩa là chủ trương của Chính phủ không chạy theo thành tích tăng trưởng ngắn hạn mà quan trọng hơn, là phải chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để phát triển bền vững. Thứ hai, thừa nhận lạm phát có nguyên nhân tiền tệ và là kết quả của những yếu kém nội tại trong nền kinh tế cũng như trong bộ máy điều hành vĩ mô. Thứ ba, các yếu tố bất ổn và suy giảm kinh tế toàn cầu đã được nhấn mạnh một cách đúng mức. Tất nhiên, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho kinh tế toàn cầu về những trục trặc trong nền kinh tế. Nhưng chúng ta cần hiểu rõ và theo dõi sát sao nền kinh tế toàn cầu để có những phản ứng chính sách thích hợp. Thứ tư, chính sách “an dân” thông qua tăng cường các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội là một quyết tâm lớn của Chính phủ.

Có thể thấy là trong 7 biện pháp đề xuất, có những biện pháp có thể thực hiện được ngay (chẳng hạn như cho phép tỷ giá linh hoạt hơn) nhưng cũng có những biện pháp phải mất nhiều thời gian mới thực hiện được (chẳng hạn như tập trung sức phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp); có những giải pháp nằm trong tầm kiểm soát của chính phủ (như thắt chặt tiền tệ) nhưng đồng thời cũng có những giải pháp mà chính phủ sẽ không kiểm soát được đầy đủ (như đảm bảo cân đối cung cầu, giảm nhập siêu).

Cảnh giác với dòng vốn ngắn hạn

Bên cạnh những biện pháp đã nêu trong bài viết của Thủ tướng, tôi thấy cần bổ sung thêm một số chính sách nữa để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả của gói giải pháp. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tới 2 giải pháp. Thứ nhất là lãi suất thực dương. Mặc dù giải pháp này đã được nêu trong công văn 319 nhưng trên thực tế chưa được thực hiện một cách đúng đắn vì lãi suất huy động hiện vẫn đang thấp hơn CPI rất nhiều. Thứ hai, đó là việc kiểm soát một cách thận trọng đối với dòng vốn đầu tư gián tiếp.

Như chúng ta đã thấy, sự chảy vào ào ạt của các dòng vốn đầu tư ngắn hạn đã tạo ra một trạng thái hưng phấn thái quá của thị trường chứng khoán (TTCK), và sự hưng phấn thái quá này rất dễ đổi chiều để chuyển thành một sự thất vọng thái quá (biểu hiện qua sự tụt dốc nhanh chóng của VN-Index trong mấy tuần gần đây). Như vậy, trong khi đóng góp thực sự cho nền kinh tế của các dòng vốn đầu cơ ngắn hạn chưa đáng kể thì những nguy cơ tiềm tàng của nó đã được bộc lộ rõ. Cần nhớ rằng việc tiếp nhận một lượng vốn ngắn hạn quá mức và sau đó tháo chạy ồ ạt là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á hồi 1997 - 1998. Vì vậy, cần phải có những biện pháp quản lý dòng vốn ngắn hạn một cách có hiệu quả.

Kinh nghiệm của một số nước (như Chile vào đầu những năm 1990) là áp dụng một tỷ lệ dự trữ bắt buộc (không hưởng lãi suất trong thời gian một năm) đối với các khoản vốn đầu tư gián tiếp và các khoản vay bằng ngoại tệ. Kết quả là không những lượng vốn đầu tư vào Chile không giảm xuống, mà thành phần của dòng vốn vào đã có những thay đổi tích cực, trong đó lượng vốn dài hạn tăng lên và vốn ngắn hạn giảm đi. Khi dòng vốn đầu tư ngắn hạn được giảm bớt thì sức ép nâng giá đồng nội tệ sẽ được giải tỏa một phần, và nhờ vậy ngân hàng trung ương sẽ có độ tự chủ cao hơn trong chính sách tiền tệ.

Phải vượt qua được “lợi ích nhóm”

Cuối cùng, biện pháp đúng đắn cần phải được triển khai thành những chính sách tốt và có hiệu lực trong thực tiễn. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực điều hành, khả năng kỹ trị và sự phối hợp của các cơ quan quản lý vĩ mô của nhà nước. Đồng thời, bất kỳ một chính sách ổn định vĩ mô nào cũng đều động chạm đến lợi ích của nhiều người, nhiều đối tượng. Làm thế nào để hạn chế và vượt qua được sự tác động của các nhóm đặc quyền đặc lợi vì lợi ích chung, lâu dài của đất nước là một thách thức to lớn của các nhà điều hành chính sách. Điều này, đến lượt nó, phụ thuộc vào vai trò của người “nhạc trưởng” – mà ở đây không ai khác chính là Thủ tướng Chính phủ.

TS Vũ Thành Tự Anh

Tin cùng chuyên mục