Bên cạnh đó, mức tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm và đồ uống trong nước đã và đang đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tiêu dùng; đồng thời dự báo đến năm 2020, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống cao thứ 3 trong nhóm các nước châu Á.
Ghi nhận thực tế, nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các đô thị lớn đối với thực phẩm và đồ uống ngày càng nhiều và đa dạng, đặc biệt là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, dinh dưỡng. Chính vì vậy, thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam cũng tăng tính hấp dẫn đối với các doanh nghiệp (DN) ngoại khi có nhiều cuộc chuyển giao, mua bán - sáp nhập giữa DN ngoại và các đơn vị trong nước. Cùng với đó là sự gia tăng xu hướng thức ăn nhanh ngày càng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, mang lại cơ hội lớn cho sản lượng tiêu thụ ngành thực phẩm và đồ uống. Không dừng lại, ngành thực phẩm và đồ uống còn có nhiều tiềm năng tăng sức mua khi chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng được mở rộng về quy mô và phủ sóng rộng khắp, đã và đang giúp các DN ngành này có thêm nhiều kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa.
Cụ thể, Tổ chức giám định kinh doanh quốc tế BMI dự báo tốc độ tăng trưởng ngành thực phẩm và đồ uống sẽ cao hơn trong giai đoạn 2016 - 2019, với mức tăng trưởng kép hàng năm đạt 16,1% nhờ thu nhập cải thiện và xu hướng tiêu dùng sản phẩm giá trị cao hơn. Việt Nam là quốc gia có dân số đông với khoảng 93 triệu dân, trong đó hơn phân nửa dân số dưới 30 tuổi. Đây được xem là điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng nhất khu vực. Bên cạnh đó, nền nông nghiệp nhiệt đới ở Việt Nam đang được khai thác hiệu quả với đa dạng sản phẩm và nguồn nguyên vật liệu thô, rất nhiều trong số đó là nguồn cung cấp chính cho các thành phần được sử dụng trong lĩnh vực chế biến thực phẩm.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM, cho biết các DN ngành thực phẩm và đồ uống thành phố định hướng tập trung phát triển đầu tư sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng xu hướng mới hiện nay là người tiêu dùng sẵn sàng chi trả mức chi tiêu cao hơn đối với sản phẩm có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Định hướng này dựa trên những cơ sở về lợi thế của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam là các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển đã từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN phát triển. Trong đó, có thể kể đến các vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, chương trình hỗ trợ vốn vay, kích cầu hoạt động sản xuất kinh doanh…
Trong thời gian qua, các chiến dịch truyền thông, quảng bá để hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh doanh trong nước xây dựng thương hiệu DN, sản phẩm và giữ vững thị phần trên sân nhà đã phát huy hiệu quả tích cực. Từ đó, người tiêu dùng trong nước đã và đang ngày càng tin dùng hàng Việt có nguồn gốc sản xuất trong nước; trong đó, hình ảnh thương hiệu sản phẩm thuộc ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam không chỉ đáp ứng thị hiếu thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu. Đạt được kết quả này, các DN ngành thực phẩm và đồ uống tại TPHCM cho rằng, phải kể đến sự tiếp sức của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao…
Theo bà Rungphech (Rose) Chitanuwat, Giám đốc kinh doanh Công ty UBM Asia (Thái Lan), Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh gia tăng xuất khẩu và khẳng định vị thế sản phẩm thực phẩm và đồ uống trên thị trường thế giới, chứ không phải chỉ thị trường trong nước. Hiện Việt Nam là thị trường đứng thứ 3 về hoạt động kinh doanh, dịch vụ thực phẩm và đồ uống tại khu vực ASEAN. Mặt khác, với những diễn biến tích cực về nền kinh tế nói chung và mức sống của người tiêu dùng nói riêng, ngành thực phẩm - đồ uống Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầy tiềm năng, cũng như từng bước trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm - đồ uống lớn trong khu vực Đông Nam Á.