Ngày 11-9, tại Hà Nội, hội thảo “Văn hóa Doanh nghiệp và Phát triển Thương hiệu” do Báo Văn hóa, Bộ VH-TT-DL tổ chức thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp tên tuổi... để cùng bàn thảo những câu chuyện về xây dựng và phát triển thương hiệu, vấn đề sống còn của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Theo bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn hóa, nhiều bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp đã khẳng định, nếu thiếu sự quan tâm cần thiết đối với việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức kinh doanh thì chính các doanh nghiệp sẽ chịu thiệt thòi.
“Đã có không ít doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp, vì đồng tiền mà đánh cược cả niềm tin đang dần cạn kiệt từ phía khách hàng; nhiều doanh nghiệp từng là thương hiệu đình đám trên thị trường bỗng chốc bị đổ bể... Những bài học đau xót đó một lần nữa cho thấy vấn đề văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh đã không thể chỉ là khẩu hiệu của mỗi doanh nghiệp mà ngược lại, văn hóa và đạo đức kinh doanh phải luôn được các doanh nghiệp, doanh nhân xem như một triết lý sống còn cho sự tồn tại và phát triển của mình”, bà Chu Thị Thu Hằng nói.
Trong bối cảnh không ít doanh nghiệp lao đao vì Covid-19, văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu càng cho thấy ý nghĩa và tác động thiết thực đến sự tồn tại bền vững của mỗi doanh nghiệp. Môi trường văn hoá của doanh nghiệp có ý nghĩa tác động quyết định đến tinh thần, thái độ, động cơ lao động của các thành viên và việc sử dụng đội ngũ lao động, giúp cho doanh nghiệp trở thành một cộng đồng làm việc trên tinh thần hợp tác, tin cậy, gắn bó, thân thiện và tiến thủ. Trên cơ sở đó, hình thành tâm lý chung và lòng tin vào sự thành công của doanh nghiệp.
Ngay trong thời điểm có nhiều khó khăn vì dịch bệnh, sự chung tay gánh vác trách nhiệm với cộng đồng và đối tác của nhiều doanh nghiệp chính là một cách khẳng định thương hiệu, chinh phục niềm tin từ phía khách hàng.
Đề cập vấn đề văn hóa doanh nghiệp thời Covid-19, ông Lê Quang Vũ, chuyên gia tư vấn truyền thông nội bộ và văn hóa doanh nghiệp đã dẫn những câu chuyện thực tế về hành động ứng xử của các doanh nghiệp lớn giữa thời Covid-19. Đó là Vietnam Airlines với tinh thần các chiến binh Sen vàng, phi công và tiếp viên xung phong tham gia hàng chục các chuyến bay giải cứu khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán, Mỹ, Guinea xích đạo…; đồng hành giảm lương, giãn việc, tiếp động lực ở các khu cách ly; tăng cường an toàn cho nội bộ và hành khách...
Đó là Vingroup với những đóng góp chống dịch nổi bật nhất châu Á; tặng 3200 máy thở và các sinh phẩm, bộ test (trị giá 100 tỷ đồng); sẵn sàng cho mượn trang thiết bị và điều động nhân lực từ hệ thống y tế Vinmec; chuyến bay Việt Nam-Ukraina; 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh; 300 tỷ đồng cho các đối tác bị ảnh hưởng....
Hiện, đối với không ít doanh nghiệp, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh lại là vấn đề không đơn giản, bởi "Thương hiệu không phải từ trên trời rơi xuống" mà cần phải xây dựng mỗi ngày.
“Đừng nghĩ khi có tiền mới làm thương hiệu”, với quan điểm này, các chuyên gia phân tích, trên thực tế, có đến hơn 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu.
Theo các chuyên gia về xây dựng thương hiệu, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hàng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, về sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng.
“Nếu được thiết kế một cách hợp lý, triển khai một cách có hệ thống và không khoan nhượng về chất lượng, văn hóa doanh nghiệp là một vũ khí cạnh tranh không đối thủ nào có thể bắt chước hay đuổi kịp được” - ông Nguyễn Đình Thành, đồng sáng lập Học viện truyền thông Elite PR School, Giám đốc điều hành công ty tư vấn chiến lược CSCI Indochina nhấn mạnh.