Thủy điện Sơn La có thể hứng lũ tới 8.000m³/giây

Tại cuộc họp khẩn sáng nay 18-8, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, mưa lớn, lũ quét ở miền Bắc đã làm 1 người chết tại tỉnh Lai Châu và 2 người đang mất tích ở tỉnh Vĩnh Phúc; cuốn trôi, vùi lấp nhiều nhà cửa, một số ngầm tràn và đường giao thông.

Trước tình hình thời tiết nguy hiểm, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 4, dự báo gây mưa to, kéo dài nhiều ngày tới tại miền Bắc, đồng thời kích hoạt gió mùa Tây Nam, gây mưa lớn ở Nam bộ và Tây Nguyên, sáng nay 18-8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương đã họp khẩn với các địa phương để bàn nhiệm vụ ứng phó.

Thủy điện Sơn La có thể hứng lũ tới 8.000m³/giây ảnh 1 Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai sáng nay 18-8

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thời tiết đang xuất hiện những tổ hợp thiên tai bất lợi ở miền Bắc, trọng tâm là khu vực Đông Bắc và Tây Bắc. Vấn đề quan tâm nhất hiện nay là hệ thống thủy điện bậc thang trên sông Đà. Trong đó trọng tâm là hồ thủy điện Sơn La, làm thế nào để vừa đảm bảo linh hoạt trong vận hành, sản xuất điện cho cả nước, nhưng cũng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho hạ du.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện nay đang là thời kỳ lũ chính vụ ở miền Bắc. Hồ Sơn La chỉ được tích nước đến cao trình 197,3m mà hiện tại, mực nước ở hồ Sơn La chỉ còn cách cao trình xả tràn gần 1m.
Ông Trần Quang Hoài phân tích các kịch bản mưa lũ do bão số 4 gây ra

Ông Hoài cho biết, theo số liệu đo đạc, hiện nay mực nước đến hồ Sơn La khoảng 5.230m3/giây, trong khi lưu lượng nước xả ra để phát điện là khoảng 3.286m3/giây (như vậy, hồ Sơn La vẫn đang giữ lại khoảng 2.000m3/giây).

TS Hoàng Phúc Lâm báo cáo nhận định tình hình và nguy cơ của bão số 4

Trong khi đó, theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, nêu tại cuộc họp, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 gây mưa lớn, dự báo đến ngày 21-8, lượng nước từ thượng nguồn đổ về hồ Sơn La có thể lên tới 8.000m3/giây. Theo kịch bản này, mực nước hồ Sơn La sẽ nhanh chóng dâng lên ngưỡng tràn xả lũ.

Khó khăn nhất hiện nay đối với các hồ thủy điện nói chung là khi nào xả lũ, lưu lượng xả như thế nào để vừa đảm bảo an toàn cho hồ đập, vừa đảo bảo tích đủ nước cho phát điện. Nếu xả “quá tay” mà không mưa lớn như dự báo thì sẽ ảnh hưởng mục tiêu phát điện.

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia phải tính toán sớm và cụ thể hơn về thời điểm mưa lũ để Ban chỉ đạo Trung ương có những quyết định chính xác trong vận hành hồ Sơn La, trên tinh thần và quan điểm đầu tiên là đảm bảo an toàn cho cả nhà máy thủy điện, an toàn cho hạ du sông Đà và an toàn cho thủ đô Hà Nội; đồng thời cũng đảm bảo tích được nhiều nước nhất có thể để phục vụ cho phát điện và sản xuất vì tháng 9 là hết lũ.

Mưa lũ tràn vào nhà dân ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên) vào ngày 17-8. Ảnh: NGỌC HÀ
Thủy điện Sơn La có thể hứng lũ tới 8.000m³/giây ảnh 5 Đập tràn qua suối tại huyện Nậm Pồ (Điện Biên) bị lũ quét thổi bay vào sáng 17-8. Ảnh: NGỌC HÀ

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị người dân nêu cao tinh thần chủ động ứng phó mưa lũ, không chủ quan coi thường. Hiểm họa do thiên tai gây ra là khó lường.

“Hôm qua, tại tỉnh Lai Châu, có gia đình đang ở trong nhà thì bụi tre sạt từ trên đỉnh đồi xuống, thế là cả nhà bị thương. Bụi tre đó không ai dự báo sẽ sạt xuống”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, những thứ mà chúng ta không dự báo trước được, không nhìn thấy trước được, khi mưa kéo dài, đất ngậm nhiều nước thì rất nguy hiểm, nguy cơ sạt lở rất cao. Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu trực 24/24 ở tất cả địa phương có nguy cơ, cần thông báo cho người dân, những địa điểm có nguy cơ cao thì phải dứt khoát di dời, sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tin cùng chuyên mục