Tiềm ẩn sự cố hóa chất ở vùng Đông Nam bộ

Vài năm gần đây, trên địa bàn các tỉnh, thành Đông Nam bộ liên tục xảy ra các sự cố liên quan quá trình vận chuyển hóa chất, gây lo ngại cho người dân. 

Từ các sự cố 

Ngày 25-3-2020, tại đoạn đường Chiêu Liêu (khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), một chiếc xe tải khi đang lưu thông trên đường đột nhiên bốc ra khí lạ màu vàng, gây khó chịu làm người đi đường hoảng sợ. Kết quả điều tra đã xác định: Xe tải 61C-319.32 đang trong quá trình vận chuyển bồn chứa axit nitric 1.000 lít bị rò rỉ chảy xuống đường; khi phát hiện sự cố, lái xe bỏ chạy khỏi hiện trường.

Mới đây, tại TPHCM cũng xuất hiện một vụ rò rỉ khí amoniac nồng độ đậm xảy ra ở ấp 2, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh vào lúc 9 giờ 30 ngày 10-10, khi xe bồn đang bơm khí amomiac sang trạm chứa của Công ty Vĩnh Lộc thì ống bơm bị vỡ, làm khí thoát ra ngoài với lượng lớn gây mùi nồng nặc. Nhiều chó, gà, heo ở quanh hiện trường chết la liệt, cây cỏ bị héo và nhiều người hít phải đã bị ngộ độc với các biểu hiện khó thở, buồn nôn, miệng chảy máu… 

Tiềm ẩn sự cố hóa chất ở vùng Đông Nam bộ ảnh 1 Diễn tập sự cố hóa chất ở KCN Nhơn Trạch 3, Đồng Nai 

Có thể kể thêm, vụ cháy xe bồn chở xăng xảy ra tại Bình Phước vào tháng 11-2018, làm 6 người thiệt mạng khiến dư luận không khỏi lo lắng và đặt ra câu hỏi về quy trình đảm bảo an toàn cho các loại phương tiện chở nhiên liệu dễ cháy hoặc hóa chất độc hại, gây nguy hiểm tính mạng và môi trường, sức khỏe người dân, nếu có sự cố.

Chú trọng công tác đào tạo, ứng phó sự cố

Nhận thức được tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cho các loại hóa chất, xăng dầu - loại hàng hóa đặc biệt - nên trong khoảng 10 năm qua, Chính phủ và các ban ngành đã ban hành nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn, quy định về quản lý, cấp phép vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp hay hàng nguy hiểm bằng các phương tiện cơ giới đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.

Trong đó, mới nhất là Nghị định 42-CP ban hành ngày 8-4-2020, quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2020, thay thế cho Nghị định số 104/2009-CP và Nghị định số 29/2005-CP. Nghị định quy định rất chi tiết các biểu trưng, mẫu nhãn hàng hóa nguy hiểm bắt buộc phải dán trên phương tiện và thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển của các Bộ Công an, Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT đối với từng loại hàng hóa. 

Việc chuẩn hóa, tăng cường quản lý nhà nước với công tác an toàn hóa chất đã làm cho người sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các loại hàng hóa nguy hiểm có liên quan thấy được trách nhiệm, buộc họ phải quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, diễn tập, quy trình ứng phó sự cố hóa chất hay tăng cường truyền thông để xã hội chung tay bảo vệ môi trường.

Công ty TNHH Dow Chemical Việt Nam (Dow Việt Nam) thành lập năm 1995 là công ty chuyên về vật liệu khoa học và cung cấp giải pháp công nghệ thuộc tập đoàn Dow (Mỹ) đã triển khai nhiều dự án nhằm tối đa hóa các giá trị cho xã hội, môi trường và nền kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

Cụ thể, như chương trình Làm sạch bờ biển (phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các đối tác triển khai chiến dịch làm sạch rác ở bãi biển, thu hút 450 người tham gia, qua đó nâng cao ý thức người dân và du khách giảm thiểu lượng rác ra môi trường biển); phát triển nguồn nhân lực (phối hợp với Hội Hóa học Việt Nam tổ chức đi thực tế cho 700 sinh viên chuyên ngành hóa học đến thăm các nhà máy hóa chất hiện đại ở Việt Nam để giúp các em có kiến thức sâu hơn về hóa học và định hướng nghề nghiệp).

Mới đây, công ty còn phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất trên đường vận chuyển tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật về sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hóa chất để sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra.    

Theo lãnh đạo Hội Hóa chất Việt Nam, quan trọng nhất vẫn là khâu đào tạo, cả chủ doanh nghiệp, người sản xuất, nhà vận chuyển, kinh doanh đều phải có kiến thức cần thiết về hóa chất để đảm bảo an toàn trong suốt chu trình sản xuất - vận chuyển - kinh doanh - tiêu thụ. Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân thường có thay đổi về nhân sự, càng phải được quan tâm, cử nhân viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn để ứng phó kịp thời các sự cố xảy ra.

Tin cùng chuyên mục