Tiêm nhắc vaccine Covid-19 đúng lịch sẽ duy trì miễn dịch

Chiều 9-6, Ban Chỉ đạo phòng chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo.
Toàn cảnh buổi họp báo chiều 9-6-2022
Toàn cảnh buổi họp báo chiều 9-6-2022

Thích ứng an toàn với V2K  

Đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 8-6, thành phố ghi nhận 610.594 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 609.636 trường hợp mắc trong cộng đồng, 958 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 42 bệnh nhân, trong đó có 1 trẻ em dưới 16 tuổi. Trong ngày 8-6, có 4 bệnh nhân nhập viện, 3 bệnh nhân xuất viện, không có trường hợp tử vong trong ngày.

Thông tin về tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, đến 9-6, tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 (tiêm mũi 3) tại thành phố chưa cao khoảng 63,87%. Mũi 4 cũng mới tiêm và tiến độ còn khá chậm. Đối với trẻ em (từ 12 đến dưới 18 tuổi) đạt gần 90%. Với trẻ 5-11 tuổi mũi 1 được 33% và mũi 2 đang tiêm.

Việc tiêm chủng mũi nhắc lại cần thiết và có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi nước ta bước vào giai đoạn bình thường mới, chúng ta dần dần khôi phục từng bước các hoạt động sinh hoạt xã hội và sản xuất. Tiêm nhắc lại sẽ tăng cường hoặc khôi phục khả năng bảo vệ người được tiêm, do các liều tiêm cơ bản trước dây theo thời gian kháng thể sẽ giảm dần. Khi từng cá nhân được bảo vệ thì cộng đồng mới được bảo vệ.

“Với mỗi cá nhân, việc tiêm nhắc lại giúp được bảo vệ tốt hơn trước diễn biến có thể chuyển nặng của dịch Covid-19, giúp chúng ta kiểm soát tốt hơn dịch Covid-19 và vaccine phòng Covid-19 tiêm nhắc đúng lịch sẽ duy trì miễn dịch", bác sĩ Lê Hồng Nga thông tin.
Tiêm nhắc vaccine Covid-19 đúng lịch sẽ duy trì miễn dịch ảnh 1 Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thông tin tại buổi họp báo chiều 9-6-2022
Trả lời câu hỏi về việc mang khẩu trang còn áp dụng hay không?, bác sĩ Lê Hồng Nga cho rằng, trước đây có thông 5K (sau đó là 5K + vaccine), chữ K đầu tiên mang khẩu trang. Mới đây, Bộ Y tế đang đề xuất V2K (vaccine – khẩu trang – khử khuẩn) để thích ứng an toàn hơn, việc giữ khoảng cách, khai báo y tế có thể không triển khai nhưng trong 2K vẫn có khẩu trang.

“Khẩu trang là biện pháp dự phòng không dùng thuốc được nhiều nước khuyến cáo để kiểm soát dịch Covid-19, biện pháp mang khẩu cáo vẫn được khuyến cáo mạnh mẽ trong biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó một số bệnh truyền nhiễm qua hô hấp cũng được khuyến cáo mang khẩu trang”, bác sĩ Lê Hồng Nga lưu ý.

Ngập nước, cây đổ hãy gọi 1022

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM, dự kiến trong năm 2022 có thể xảy ra  ngập ở 15 điểm tại các tuyến đường: Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Hồ Ngọc Lãm, Quốc lộ 13, Ba Vân, Bàu Cát, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ), Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.

Cùng với đó là các điểm ngập tức thời trong mưa (nước rút trong vòng 30 phút) có 24 điểm gồm các tuyến đường: Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hoa, Tỉnh lộ 43, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Hồ Văn Tư, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Quốc lộ 1A, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Hiệp Bình, Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu, Mai Xuân Thưởng, Tân Hòa Đông.

Đỉnh triều dự báo cao nhất đạt +1,71m và sẽ có 9 tuyến đường ngập do triều gồm các tuyến đường: Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Quốc Lộ 50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Thị Thập, Tôn Thất Thuyết.

Để phòng tránh ứng phó tình trạng chống ngập, trước mùa mưa, các đơn vị liên quan đã duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước. Cùng với đó là tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập.

Song song đó là phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác đấu nối cống, mở hướng thoát nước mới, lắp đặt van ngăn triều, vận hành các trạm bơm hỗ trợ thoát nước. Bên cạnh việc xây dựng phương án để tổ chức trực mưa, vớt rác miệng thu thời điểm trước, trong và sau cơn mưa, các đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm để tăng khả năng thoát nước.

“Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TPHCM cũng phối hợp Trung tâm Quản lý Hạ tầng giao thông đường bộ thống nhất các phương án điều tiết giao thông tại những điểm có khả năng ngập nặng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến các phương tiện lưu thông trên đường và người dân”, ông Vũ Văn Điệp thông tin.

Về công tác quản lý, chăm sóc cây xanh trước và trong mùa mưa năm 2022, ông Vũ Văn Điệp cho biết, để đảm bảo an toàn cây xanh, hạn chế sự cố cây xanh trong mùa mưa năm 2022, Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật đã triển khai và thực hiện xuyên suốt các kế hoạch chăm sóc, cắt tỉa, xử lý nhánh khô, hạ thấp chiều cao cây và rà soát xử lý cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn.

Cùng với đó là trung tâm thực hiện công tác kiểm tra thường xuyên để kịp thời ghi nhận, phát hiện cây xanh bị chết, bị suy giảm sức sống, bị sâu bệnh, hư hại, khiếm khuyết mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn để có biện pháp xử lý phù hợp. Đến nay đã cơ bản hoàn tất kế hoạch cắt tỉa, xử lý nhánh khô đợt 1 đối với toàn bộ cây xanh được phân cấp quản lý; hạ thấp chiều cao 95 cây, thay thế 984 cây xanh hư hại, khiếm khuyết, chết khô.

“Khi có bất kỳ sự cố nào liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thoát nước, cây xanh, chiếu sáng đề nghị người dân thông báo ngay đến số điện thoại 1022 để được kiểm tra xử lý. Trong lúc mưa to lớn dông gió, người dân cũng không tránh trú dưới các cây lớn tránh nguy cơ có thể xảy ra do cây ngã đổ”, ông Vũ Văn Điệp nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục